Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Pháo hoa dịp Lễ 2/9 tại TP.Hồ Chí Minh

Nhiều hoạt động kỷ niệm cũng như các chương trình lễ hội, triển lãm sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới để chào mừng Quốc khánh, trong đó có màn bắn pháo hoa tại hai địa điểm.

Theo đó UBND TP đã quyết định sẽ bắn pháo hoa tại hai điểm với thời gian 15’ (từ 21h đến 21h15’ ngày 2/9). Cụ thể pháo hoa tầm cao (pháo nổ đẹp, đường kính tia sáng rộng) sẽ được bắn tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm, phía Quận 2) và pháo hoa tầm thấp sẽ bắn tại công viên Đầm Sen (quận 11).
Cũng trong thời gian từ 31/8 đến 11/9 tại TP.HCM sẽ diễn ra 3 triển lãm với các chủ đề “71 năm vang mãi hào khí Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9”, “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đô thị hiện đại, bền vững” và “Thành phố Hồ Chí Minh nhân ái, nghĩa tình”.

3 triển lãm nói trên được tổ chức lần lượt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và tuyến đường Đồng Khởi (khu vực từ ngã tư đường Nguyễn Du đến ngã tư đường Lê Thành Tôn, Quận 1).

Liên quan đến sự kiện này, UBND TP cũng vừa chỉ đạo Thường trực Ban An toàn giao thông TP và Giám đốc các sở, ngành liên quan khẩn trương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp, thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới 2016 - 2017.

Cụ thể, các đơn vị nói trên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn giao thông và triển khai ngay các giải pháp đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

UBND TP cũng yêu cầu siết chặt quản lý về chất lượng và an toàn đối với các phương tiện vận tải hành khách, kết hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi, công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các nội dung phản ánh của nhân dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Cường (Infonet)
Du lịch, GO!

Hồ Hòa Trung – thảo nguyên cỏ xanh

Hồ Hòa Trung bắt đầu trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều bạn trẻ khi du lịch Đà Nẵng thông qua những hình ảnh yên bình, dân dã trong ráng chiều vàng.

Không gian hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc rất thích hợp với những du khách thích cắm trại hay đi thuyền độc mộc.

Hồ Hòa Trung cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20 km, thuộc địa phận hai xã Hòa Ninh và Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Đây là hồ nước nhân tạo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân và tưới tiêu cho đồng ruộng, hoa màu.

Từ thành phố chạy từ đường Âu Cơ (chợ Hòa Khánh) bạn men theo hướng Bà Nà, tìm về giáo xứ Hòa Ninh. Rẽ tay trái thấy đường bê tông, và cứ đi hết đường này bạn sẽ nhìn thấy con đường mòn chỉ rộng 30 cm bề ngang.

Nếu gặp phải khó khăn trong việc xác định, hãy hỏi người dân bản địa đường ra lòng hồ. Đây là hồ nước nhân tạo, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho đồng ruộng, hoa màu của người dân hai xã Hòa Sơn và Hòa Liên.
Dulichgo
Mặt hồ như tấm gương phẳng lặng quanh năm trong xanh được núi bao bọc ôm ấp. Những đảo nổi nhân tạo như nét chấm phá điểm xuyết cho hồ. Làn nước lăn tăn trước cơn gió nhẹ hay in bóng mây trời rực rỡ trong nắng vàng càng làm khung cảnh thêm phần thơ mộng.

Tháng 10 - mùa nước cạn là thời điểm thích hợp để bạn thực hiện một chuyến du lịch tại đây. Điểm thu hút đặc biệt tại địa chỉ này là hồ được bao quanh bởi những đảo nổi to nhỏ với đồng cỏ xanh mướt, bằng phẳng, xếp thành những triền dốc nhấp nhô, rất phù hợp với các hoạt động dã ngoại, hoặc nghỉ đêm cắm trại bên hồ. Vào những ngày nước cạn, khu vực ven hồ trở nên rộng lớn, như một thảo nguyên bao la, êm ả.

Những ngày gió thổi nhẹ, mặt nước hồ lăn tăn sóng gợn. Làn nước mát trong dưới ánh nắng mặt trời. Thỉnh thoảng, trên nền trời trong xanh xuất hiện một đàn cò trắng bay dập dìu rồi đậu xuống trên những triền cỏ tìm mồi.
Dulichgo
Tuy nhiên, vẻ đẹp yên bình ở hồ Hòa Trung không chỉ là đồng cỏ nhìn ngút mắt, mà còn là hình ảnh những đàn bò, đàn trâu nhẩn nha ăn cỏ mỗi sáng, mỗi chiều.

Vì hồ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 20 km nên bạn có thể đi xe máy hoặc ô tô, đi xe máy đến đây mất khoảng 40 phút. Đây là 2 phương tiện phù hợp giúp bạn chủ động về mặt thời gian và thỏa thích dừng lại nếu muốn ngắm cảnh ven đường. Bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị và cảm giác an nhiên với cảnh vật đơn sơ ở nơi đây.

Hồ Hòa Trung nổi tiếng là nơi ngắm cảnh, dã ngoại của các bạn trẻ Đà Nẵng. Nhiều bạn đến đây để tìm một nơi nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, đi dã ngoại hoặc chụp ảnh cưới. Ngoài ra, hồ Hòa Trung còn là điểm sáng tác mới của những tay máy nghiệp dư đến từ Đà Nẵng. Rất nhiều hình ảnh đẹp từ hồ nước nhân tạo này được nhóm nhiếp ảnh đưa lên mạng và chia sẻ với bạn bè.

Điểm đặc biệt tại đây, bạn có thể trải nghiệm chèo thuyền độc mộc trên dòng sông xanh ngắt. Hồ chưa được các công ty du lịch khai thác, những chiếc thuyền độc mộc là do người dân nuôi cá bè làm ra. Họ sử dụng thuyền để thăm nuôi cá, di chuyển qua bên hồ. Vì vậy, hãy thật khéo léo để xin người dân cho trải nghiệm việc chèo thuyền trong lòng hồ.
Dulichgo
Là hồ nhân tạo được bao quanh bởi những đảo nổi. Vì vậy để đảm bảo không bị bỏ đói, bạn nên chuẩn bị trước đồ ăn và nước uống đầy đủ cho chuyến đi của mình. Ngoài ra để tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ của không gian này, bạn nên cùng bạn bè cắm trại qua đêm tại đây.

Du lịch, GO! tổng hợp

Nghe mưa thèm lẩu cá ót

(TTO) - Chỉ là món ăn "thường thường" tiện dụng của dân vùng biển, nhưng vào nhà hàng, quán xá, cá ót được “nâng cấp” thành món lẩu lạ miệng khoái khẩu dành cho khách thập phương.

Hà Nội những ngày ướt nhẹp và buồn hiu hắt. Những cơn mưa sau hoàn lưu bão đến bất ngờ và thường rầm rộ khiến dân tình hốt hoảng. Đứng dưới gầm cầu cạn đợi mưa ngớt mà tự dưng nhớ cơn mưa rào rào trên bãi biển Vân Đồn một đêm sáng trăng. Gió xiên qua những tòa nhà cao tầng của thành phố như được tiếp thêm sức mạnh, hung dữ chực muốn quật ngã những chiếc xe máy đang líu ríu trên đường. Gió lạnh như thế này, thèm được ngồi quây quần bên nồi lẩu lạp sạp tám với bạn bè, cho dù có ngồi bên biển ngày mưa thì vẫn ấm áp biết bao.

Bạn Cẩm Phả bảo để gọi cho “u em” đặt nồi lẩu cá ót. Bạn Hà Nội quay sang hỏi có phải là cá lạp chạp không? Vẫn nghe đồn dân miền biển Đông Bắc như Quảng Ninh hay Hải Phòng có món canh lẩu dân dã nấu chua, lạp chạp (hay có nơi còn gọi là lạp sạp) là tiếng địa phương, chứ hiểu một cách đơn giản là canh chua thập cẩm.

Dân chài miền biển khi đi khơi đánh lưới về thường gom được mớ cá nhỏ, lẫn cả tôm cua bề bề, không phân loại gì, con to nếu có tách riêng bán được giá, mớ cá thuyền chài lặt vặt mà lại tươi rói này đem bán rẻ, còn bán không được thì mang về ăn. Mới đầu món canh chua cá lạp sạp chỉ là món ăn thường thường tiện dụng của dân vùng biển, sau vào nhà hàng, quán xá được “nâng cấp” thành món lẩu lạ miệng khoái khẩu dành cho khách thập phương.
Dulichgo
Mớ cá “u em” mua được ngoài bến Do hôm ấy chủ yếu là cá ót, mình sáng ánh bạc. Dân thuyền chài phân chia nhiều loại cá ót khác nhau tùy theo hình dáng và đặc điểm nhận dạng như cá ót gai, cá ót tròn, cá ót chỉ vàng, cá ót đĩa...

Nhưng cá ót ăn lẩu muốn ngon thì nhất thiết phải là cá ót tròn, tuy ít thịt, nhiều xương nhưng bù lại rất ngọt nước. Vốn canh chua nấu riêu hay lẩu cá người ta vẫn thường ăn... nước là chính, kết hợp dùng nồi nước vào mục đích khác là nhúng rau.

Lẩu cá ót tưởng dễ làm mà làm không dễ, tốn nhiều công sức ra phết. Trước tiên, mớ cá ót mua về phải là mớ cá tươi ngoài chợ sớm. Để làm sạch, cá được khía một đường bên sườn bụng từ đầu đến đuôi rồi bóp sạch ruột, mỗi con bé cỡ lòng bàn tay trẻ con mà với nồi lẩu thông thường cho chừng 10 người ăn dễ phải làm đến gần trăm con mới đủ.
Dulichgo
Làm sạch cả trăm con cá ót, thật không thể nhanh và cũng không dễ chút nào. Thảo nào bạn tôi phải gọi điện thoại để dặn dò “u em” chuẩn bị cho nồi lẩu cá ót ngay từ khi chúng tôi đang trên đường từ Vân Đồn về Cẩm Phả.

Nồi nước dùng trông khá đơn giản, nước trong, cà chua bổ múi cau, hành hoa, thì là và quả tai chua tươi. Ở nhà chúng tôi hay trữ tai chua đã phơi khô để nấu ăn, còn ở đây người Cẩm Phả dùng tai chua tươi nấu lẩu.

Thường để đánh chua, dân vùng biển hay dùng quả bứa, một loại quả chua quen thuộc của vùng biển đảo Đông Bắc bộ, nhưng khi không có bứa thì tai chua cũng là một lựa chọn, đem lại vị chua thanh thanh tự nhiên và mùi thơm nhẹ nhàng.

Rau ăn kèm thì nhiều loại, cũng không quá kén chọn, có thể ăn lẩu với rau muống, rau cải, rau sam, rau sống. Nước lẩu sau khi bỏ cá ót vào có vị tanh đặc trưng ít thấy khi người miền Bắc ăn lẩu cá hay nấu canh chua nói chung. Cái vị tanh khiến người ta tò mò và muốn ăn thử. Mà lại thanh thanh, ngòn ngọt, man mát, chua chua, thêm tí cay xực của ớt, thật “đưa lưỡi” ghê gớm.
Dulichgo
Bốn đĩa cá ót được bưng ra khiến chúng tôi ai cũng tròn mắt. Biết ăn đến bao giờ cho hết vì thấy lớp cá nọ chồng lên lớp cá kia.

Anh chàng phục vụ bảo các anh chị thả cá vào nồi, chỉ cần sôi nhẹ là cá chín ngay, vớt ra phải vẫn còn nguyên con, cá vừa chín mềm mà không vỡ nát. Bởi thế ai ăn thì tự thả tự vớt, gỡ thịt thì không dễ và cẩn thận không hóc, nhưng chan thứ nước chua đã nhúng cá ót vào và húp xì xụp thật không gì ngon miệng bằng.

Nhất là khi trời mưa mà có bát canh chua nóng hổi, vừa ngọt ngào vừa ấm áp và cho dù biển có mịt mùng thì vẫn là ngon quá, canh chua lẩu cá lạp sạp ơi!

Theo Thủy OCG (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Nhớ chợ Đầm Quy Nhơn

(iHay) - Rồi mỗi đứa trẻ sẽ lớn, đi qua những miền đất mới, đến những nơi hay ho hơn nhưng sẽ không bao giờ quên được cái chợ quê mình.

< Chợ Đầm Quy Nhơn.

Ký ức của tôi về chợ Đầm là những ngày theo bà cô bên nội đi chợ từ sớm tinh mơ. Khi ấy, nhà cô kinh doanh thịt heo trong chợ. Mỗi buổi sáng, cô nhờ xe xích lô đẩy hàng tạ thịt đi bỏ mối cho các hàng bán lẻ. Tôi lúc ấy chỉ tầm dưới 7 tuổi, nhà bên cô thương nên hay dẫn đi cùng để xuống chợ mua cho quần áo, ăn hàng vặt.

Tôi nhớ chợ Đầm có rất nhiều hàng ăn, đồ chơi, các hàng khô mực, hàng cá tôm với những con cá thu, cá ngừ to lớn... đáng sợ...
Dulichgo
Ở Quy Nhơn, mọi người hay có thói quen đi chợ sớm để chọn mua đồ tươi ngon nên mới 6 giờ sáng, chợ đã nhộn nhịp, đông đúc. Nắm bắt được điều đó, rất nhiều hàng ăn được mở trong chợ bao gồm hàng bún, hàng bánh xèo, bánh bèo, bánh lọc, phở, chè, hàng nước...

Ngoài hàng ăn, trong chợ còn có rất nhiều hàng buôn bán thực phẩm như rau, thịt, hàng khô, quần áo, mỹ phẩm.

Đặc biệt, chợ Đầm có rất nhiều thủy hải sản, một phần vì chợ gần cảng Thị Nại, một phần vì đây là chợ mối của các chủ ghe thuyền.

Lúc nhỏ tôi hiếu động mà chợ lại có rất nhiều cửa ngõ, sẩy một cái, tôi đã lạc mất.
Dulichgo
Tôi nhớ lắm những lúc như vậy, sau một hồi khám phá, thích thú, tôi lại hoảng lên khóc và được các cô bán hàng trong chợ dẫn đi tìm người nhà.

Sau này, khi lớn hơn một chút, tôi thường cùng các bạn thân đi chợ Đầm mua cho mình những đôi giày mới, vài món đồ đẹp.

Lâu lâu, những dịp các cậu các dì ở xa về, mẹ dẫn tôi đi mua vài món đặc sản như nem chả, bánh tráng, mực rim, cá ngào đường và các loại mắm biếu các cậu, các dì ở xa về thăm.

Xa quê bao năm, những lần về thấm thoắt thoi đưa, nay tôi mới lại được cùng mẹ đi chợ.
Dulichgo
Ngồi ở góc cổng, nhâm nhi ly chè đậu xanh của một cô hàng nước quen thuộc dạo mươi năm trước, nhìn chợ người bán người mua xôn xao, tôi như tưởng mình bé lại, chậm rãi đón nhận cảm xúc thân thương ùa về.

Theo Ngọc Duyên (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Hút hồn thác nước 7 tầng ở Nghệ An

Thác 7 tầng như 'một nàng công chúa kiều diễm bị nhốt trong một lâu đài' tít trong rừng già, không mấy người biết tới.

Nghệ An, tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, thường chỉ được nhắc đến qua địa danh Cửa Lò nổi tiếng bởi từ lâu, phía Đông Nghệ An đã được khai thác và phát triển thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh nhờ lợi thế nằm sát biển và có quốc lộ 1. Còn ngược lại, phía Tây tỉnh là sự khác biệt hoàn toàn, với sự hoang vu, nguyên sơ như từ thuở hồng hoang.

Chỉ đến khi đường Hồ Chí Minh được xây dựng, khu vực này mới được lôi ra khỏi đại ngàn, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Và nhờ đó, một địa danh kỳ thú đang dần được mọi người biết đến, đó là thác 7 tầng ở huyện miền núi Quế Phong.

< Cảnh vật trên đường đi vào thác.

Tuy không thuộc dạng "kinh thiên động địa" như hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình, nhưng thác 7 tầng trên con suối Huổi Đán nổi tiếng cũng làm ngất ngây cánh phượt thủ Việt.
Dulichgo
Với địa thế hiểm trở, đường đi không có nên trước khi xuất hiện đường Hồ Chí Minh, chẳng mấy ai bén mảng đến vùng đất này. Chính yếu tố ấy đã khiến Quế Phong sở hữu một khu dự trữ sinh quyển phong phú vào bậc nhất Việt Nam, có tên là Pù Hoạt. Và thác 7 tầng nằm ở chính giữa lõi rừng Pù Hoạt, trên con suối Huổi Đán chảy từ Lào sang.

< Đường dẫn vào thác giữa những khu rừng và suối.

Nằm ở chỗ kín đáo như thế, thác 7 tầng như một nàng công chúa kiều diễm bị nhốt trong một lâu đài tít tận trong rừng già, không ai biết tới. Tìm hiểu các thông tin thác 7 tầng trên các diễn đàn hay các trang mạng xã hội du lịch, hầu như chẳng thu thập được gì, mà chỉ nhắc đến con thác Sao Va ở Quế Phong mà thôi.
Dulichgo
Thác Sao Va nổi tiếng nhưng về vẻ kiều diễm và hùng vĩ thì thua xa thác 7 tầng. Thác 7 tầng không phải con thác đơn lẻ mà là một quần thể thác như kiểu thác Bản Giốc nhưng với quy mô hoành tráng hơn. Quần thể thác 7 tầng nằm trải dài trên quãng đường 7 km, được chia thành 7 tầng nước lớn và hàng nghìn thác nhỏ khác nhau.

< Con suối nhỏ dưới chân thác.

Để có được cái nhìn toàn cảnh về thác 7 tầng, du khách cần phải trekking hơn mười cây số đường rừng, theo sự chỉ dẫn của dân bản địa, leo lên phần địa đầu mới có thể phóng tầm mắt thâu toàn bộ 7 tầng tháp vào võng mạc.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, dòng nước suối Huổi Đán chảy xuyên qua rừng nguyên sinh Pù Hoạt, phi xuống vách núi như con rồng trắng uy phong, tóe hào quang trong vạn vạn hạt bụi nước tạo nên một cảm xúc kiêu bạc kinh người, khiến lòng khách lãng du muốn cất lên một tiếng hú dài khiến cả vũ trụ cũng phải rùng mình.

< Những tầng thác bên dưới.

Cũng có đoạn thác mềm mại như dải lụa bạch, quấn quanh những thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, dày đặc những rêu phong và chằng chịt tầm gửi, tạo nên một bức tranh thủy mặc mê hoặc hồn người.
Dulichgo
Từ thuở hồng hoang, vùng đất này cũng là nơi xảy ra các kiến tạo địa chất thế nên hình sông thế núi hiểm trở, hùng vĩ với những vết đứt gẫy độc đáo, lại trải qua quá trình phong hóa, thủy hóa hàng nghìn năm, bị gió và nước mài thành kỳ sơn dị thạch. Đá và nước ở thác 7 tầng cứ thế quyện lấy nhau, tạo thành một kỳ quan độc đáo, càng ngắm càng ngất ngây.

< Tầng thác trên.

Cũng có những tầng thác, đá suối đã được mài mòn vẹt, trơn láng như bề mặt cầu trượt. Nếu bạn là kẻ đam mê mạo hiểm, hãy bước lên phía trên, lần ra giữa dòng nước chảy, ngồi xuống, giơ thẳng 2 chân để thử cảm giác lạnh sống lưng của trò trượt thác. Cứ yên tâm, cuối đoạn trượt thác là một vũng nước giảm sóc cực kỳ an toàn, lại có thêm những sợi dây bảo hộ và người bản địa đứng hỗ trợ.

< Từ phảng đá tầng trên nhìn xuống phía dưới...
Dulichgo
Khác với câu “rừng thiêng nước độc”, nước ở thác 7 tầng không hề độc chút nào mà là nguồn cung cấp nước ngọt dồi dào cho dân địa phương. Họ coi con suối Huổi Đán là món quà của trời cho nên ra sức bảo vệ dòng suối khỏi nguy cơ bị xâm hại bởi rác, ô nhiễm và những thứ có hại.

< Trượt thác khiến nhiều bạn trẻ thích thú.

Hùng vĩ, duyên dáng, cảm khái là những điều mà du khách cảm nhận được khi tới thăm thác 7 tầng. Nhưng sự nguyên sơ, vắng bóng người ở nơi đây mới tạo nên sự hấp dẫn và gọi mời.

Nếu có dịp ghé vùng Tây Nghệ An, hãy đến Pù Hoạt để chiêm ngưỡng thác 7 tẩng, để uống hớp nước trong mát của suối Huổi Đán, để lắng mình bên bức tranh sơn thủy vẽ dải lụa trắng bay giữa đại ngàn, giữa những nếp ruộng bậc thang, cho tâm hồn được tưới tắm trong vẻ đẹp nguyên sơ như từ thuở hồng hoang.

Các thông tin cơ bản khi đến du lịch thác 7 tần

Từ tháng 3 đến tháng 9 là thời điểm đẹp để khám phá thác 7 tầng.
Dulichgo
Từ Hà Nội, theo đường Hồ Chí Minh đến thị xã Thái Hòa (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), rồi rẽ theo quốc lộ 48 đi Quế Phong. Đến ngã ba Phú Phương thì rẽ vào xã Hạnh Dịch, đi khoảng 10 km đến bản Thái cổ Mường Đán. Đến đây bắt đầu đi bộ vào rừng Pù Hoạt, dọc theo suối Huổi Đán để tìm đến thác 7 tầng.

Dù mới đi vào hoạt động dịch vụ, nhưng dịch vụ ăn uống ở đây khá tốt. Du khách có thể ăn các món đặc sản địa phương như cơm lam, gà thả đồi, cá suối… ngon và rẻ. Các đồ uống như nước suối, bia chai, bia lon, nước ngọt cũng đầy đủ. Trước khi đi chơi thác, chỉ cần đặt trước các nhà hàng là được.

Tại các bản Mường Đán và Huở Mương có dịch vụ nghỉ homestay. Còn nếu không, bạn có thể quay về trung tâm huyện Quế Phong để nghỉ ở khách sạn và nhà nghỉ.

Ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác, trekking lên thượng nguồn thác, du khách có thể giải trí bằng hoạt động chèo bè và, trượt thác tắm thác. Tiền thuê bè là 20.000 đồng/giờ. Tắm thác và trượt thác miễn phí.

< Bên cạnh con thác còn có những khu vực canh tác, sản xuất của người dân địa phương.
Dulichgo
Ngoài thác 7 tầng, khi đến đây, du khách có thể kết hợp đi khám phá khu dự trữ sinh quyển và rừng nguyên sinh Pù Hoạt, tham quan thác Sao Va ở gần biên giới Lào, tham quan thủy điện Hủa Na với những đảo chè độc đáo.

Do hạ tầng du lịch ở đây còn hoang sơ nên chưa có địa chỉ số để du khách có thể đặt chỗ, liên hệ chỗ ăn nghỉ online. Tuy nhiên, bạn có thể hỏi thông tin qua chú Du, quản lý và kinh doanh dịch vụ trên bờ tại thác 7 tầng (Điện thoại: 0166 700 9848). Cần lưu ý, đây là khu vực biên giới và khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, du khách cần mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, hộ chiếu và tuân thủ các quy định.

Theo Parsley (Ngôi Sao)
Du lịch, GO!

Tòa nhà trăm mái ở Hà Nội

Toà nhà có kiến trúc độc đáo với hàng trăm mái chính, mái tầng, từng là tòa Sở Tài chính Đông dương, nay trở thành trụ sở Bộ Ngoại giao.

Tòa nhà trăm mái là tên gọi khác của Trụ sở làm việc Bộ Ngoại giao, tọa lạc giữa ngã tư Chu Văn An, Điện Biên Phủ đến Tôn Thất Đàm. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi này xuất phát từ nét đặc trưng nổi bật của tòa nhà là nhiều mái ngói đỏ, khoảng 100 mái.

Nơi này trước đây là tòa nhà Sở Tài chính Đông Dương và được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Trụ sở của Bộ Ngoại giao từ ngày 3/10/1945.

Công trình được kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928, theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương.
Dulichgo
Kiến trúc phương Đông nhìn thấy rõ ở hệ mái ngói nhiều lớp kiểu, đặc biệt là mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh.

Ngoài ra, hệ thống mái còn có mái che ban công, hàng mái dài giữa các tầng chạy ngang cả tòa nhà, mái trên tháp, mái ống khói, các mái tam giác trên nóc nhà...
Dulichgo
Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà được đánh giá có kiến trúc đẹp, nổi bật tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị và sự hấp dẫn của Hà Nội.

12 Bộ trưởng Ngoại giao đã làm việc và tiếp nhiều đoàn cấp cao, nhân vật quốc tế quan trọng tại đây. Trong quá trình sử dụng, Bộ Ngoại giao chỉ sửa chữa nhỏ nội thất và luôn coi trọng gìn giữ nguyên hình thức kiến trúc bên ngoài.

Hệ thống lỗ thoáng, cửa sổ, cửa ban công và tường dày đến 80 cm, tòa nhà như được trang bị hệ thống điều hòa tự nhiên trước thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc.
Dulichgo
Kiến trúc của tòa nhà hòa hợp với cảnh quan xung quanh cũng như khí hậu của nước nhiệt đới. Trụ sở Bộ Ngoại giao đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo Vnexpress
Du lịch, GO!

Ngôi Chùa trấn ải vùng biên cương

(PLO) - Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc trên một sườn núi thuộc xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Ngoài việc phục vụ nhu cầu tâm linh, với vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, chùa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước và là địa điểm thăm quan kỳ thú cho du khách.

Mục sở thị chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khánh thành vào cuối năm 2014, có diện tích là gần 3ha. Chùa có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về an ninh, quốc phòng, là nơi trấn yểm đắc địa ở vùng biên ải. Đứng ở chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, du khách có thể ngắm các ngọn núi trùng trùng điệp điệp, cảnh quan nơi đây vừa kỳ ảo, vừa thơ mộng, nhất là buổi sáng bình minh hoặc khi chạng vạng tối…

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam - Trụ trì chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc cho biết, chùa được khởi công ngày 15/6/2013 và khánh thành ngày 15/12/2014, với đầy đủ các hạng mục như: Cổng Tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá, lầu tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, nhà Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Tăng xá, đền thờ anh hùng Nùng Trí Cao, Tổ Hùng Vương các đời, nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, cùng các công trình cảnh quan phụ trợ như bãi đỗ xe…

Đi vào bên trong điện thờ, trước vẻ khang trang, tôn nghiêm của ngôi chùa là nơi chiêm bái nhà thờ Tổ. Mỗi pho tượng đều mang một một tư thế, hình dáng, vẻ mặt khác nhau được những nghệ nhân chế tác, chạm khắc rất tinh xảo, sống động.

Tại ban thờ Tổ anh hùng Nùng Trí Cao, lúc nào khói hương cũng nghi ngút. Ông là thủ lĩnh các dân tộc ở (Cao Bằng), văn võ song toàn, có tài thao lược về quân sự và ngoại giao, có công lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam ở thế kỷ XI.
Dulichgo
Ngoài ra còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tất cả đều được thờ trang trọng ở ban thờ chúa.

Theo các vị cao niên ở trong bản, người dân ở nơi đây đều coi Bác Hồ, Đại tướng như những vị thánh có công lao to lớn với đất nước, nhất là trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Trong tâm linh sâu thẳm, ai cũng tin rằng, Bác Hồ và Đại tướng sẽ là những vì sao soi sáng, linh thiêng để phù hộ cho sự phồn vinh của đất nước…

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tựa lưng vào núi, phía trước là một không gian rộng lớn, có đồng ruộng, núi non và cây xanh ngút ngàn, tạo nên một bức tranh yên bình của làng quê Việt Nam. Chùa không những có khung cảnh thơ mộng mà nó còn có ý nghĩa về an ninh, quốc phòng, nhằm khẳng định chủ quyền biên giới. Mặc dù mới khánh thành được hai năm, nhưng chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc đã có những bước ngoặt nhất định.

Từ khi có chùa du khách khắp nơi đổ về ngày một đông, nhất là những ngày lễ, tết như Quốc khánh mùng 2/9, 30/4, 1/5…

Du khách đến chùa để cầu lộc, tài, cầu cho vạn vật sinh sôi, cảnh quan, nước non hùng vĩ… Và đặc biệt là được ngắm thác Bản Giốc, một trong những dòng thác đẹp nhất Việt Nam.
Dulichgo
Người dân trong vùng tự hào về ngôi chùa vừa là trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa chứa đựng ý nghĩa nhân văn, là nơi trấn ải, khẳng định chủ quyền của đất nước. Bởi người dân tin rằng từ trên cao các vị thánh có thể nhìn thấy sự thay đổi, sự lớn mạnh của đất nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Có lẽ vì thế nên du khách họ cảm thấy rất phấn khởi khi đến thăm chùa, hoặc Động Ngườm Ngao, Thác Bản Giốc…

Chùa trấn ải vùng biên cương

Chùa còn là nơi giao thoa, thể hiện tình hữu nghị giữa hai nền văn hóa tâm linh Việt — Trung. Cô Nông Thị Vượt, Hiệu trưởng Trường THPT Thông Huề (Trùng Khánh) cho biết: “Hôm nay tôi rất vui khi được đưa các bạn ở miền Nam ra thăm phong cảnh chùa và Thác Bản Giốc.

Chùa mới được xây dựng, nhưng một vài năm trở lại đây, du khách trở về chùa ngày một đông, thậm chí có cả khách quốc tế. Bây giờ có tuyến xe buýt từ thành phố về chùa rồi nên việc đi lại cũng dễ dàng hơn, không như ngày trước nữa”.

Theo cô Vượt cho biết, chùa Trúc Lâm chính là đòn bẩy giúp người dân sống có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Cô Vượt chỉ tay sang vành đai biên giới và nói: “Ở bên kia gần cái chợ nhỏ là cột mốc 835, đó chính là nơi giao lưu văn hóa và hoạt động giao thương giữa du khách Việt Nam và Trung Quốc.”
Dulichgo
Từ khi xây dựng chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, du khách trong nước đến với chùa ngày một đông hơn. Cô Vượt chia sẻ: Việc Nhà nước ta xây dựng chùa Trúc Lâm chính là chủ trương mang tính chiến lược, bởi nó vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa tạo sự ổn định tâm lý cho người dân an tâm lao động sản xuất và cũng là để khẳng định chủ quyền.

Trên lãnh thổ của người Việt đương nhiên phải có những ngôi chùa Việt. Chân lý này đã được khẳng định, khắp làng quê, thành thị, trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc hay miền biên ải xa xôi, nơi nào cũng bình yên và uy nghiêm những ngôi chùa…

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc thêm một địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và thêm một minh chứng khẳng định chủ quyền đất nước nơi địa đầu Tổ quốc.

Theo Minh Phượng (Báo Pháp Luật)
Du lịch, GO!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 3: Những cái “bẫy” trên đường về

(iHay) - Những ai từng đi leo núi thường thuộc lòng công thức: lúc xuống dễ hơn lúc leo lên. Thế nhưng với đỉnh Bạch Mộc trong hành trình của chúng tôi thì ngược lại. Ăn xong bữa trưa trên đỉnh, trong lòng tôi đã hoang mang khi nghĩ đến việc làm sao vượt qua vách đá rêu trơn đáng sợ khi nãy để trở về.

< Đường trở về, Bạch Mộc trong ngần với mây trắng vờn giữa đại ngàn.

Nhưng trước khi đến được vách đá, khu rừng trúc đã cào xước đôi găng tay của tôi khi con đường dưới chân đã chẳng còn là đường đúng nghĩa. Nó trơn trượt như một đường trượt patanh vô kỷ luật, đôi tay tôi mỏi rã rời vì tất cả trọng lượng cơ thể dồn vào chúng để được nâng đỡ. Chân tôi bỗng trở nên vô tích sự lúc này, vì nó chỉ trượt đi theo một đường ngoằn ngoèo không điểm tựa.

< Nắng phủ mượt trên những thảm rêu xanh biêng biếc.

Chỉ cần lơi tay một giây, có lẽ tôi sẽ trượt xuyên qua rừng trúc để rơi xuống đâu đó dưới kia không biết chừng. Ra khỏi khu rừng với đôi tay ê ẩm và đôi giày ngập trong bùn đất, cả nhóm vẫn đang đợi nhau để lần lượt từng người xuống khỏi vách đá. Tôi lựa chọn men theo những khe hẹp trên vách đá thay vì luồn qua những rặng trúc như lúc đầu. Lau bớt bùn trên giày, tôi bắt người đi trước hạ cơ thể xuống thấp, gần như bò lom khom trên vách đá, đặt mũi giày ngang theo khe đá hơi nhô ra. Hai porter đứng sẵn ở bên dưới, sẵn sàng đỡ nếu có ai đó trượt ngã. Nhưng thật may là cuối cùng tất cả chúng tôi đã vượt qua an toàn.
Dulichgo
Cơn mưa đã tan trong suốt đoạn đường chúng tôi trở về, trả lại một Bạch Mộc trời xanh mây trắng bồng bềnh. Giữa sườn núi đá sừng sững nổi lên giữa mênh mông hai triền vực, chúng tôi nằm ngửa mặt lên trời ngắm từng cụm mây xốp trắng như bông trôi lờ lững, khi gió lộng không ngừng ve vuốt tấm thân. Trời tối rất nhanh, nắng trườn dần xuống những thung sâu, để lại màu trời chìm trong sắc xám xanh bàng bạc. Chúng tôi rảo bước nhanh hơn, trong lòng nghĩ đến chú gà quay thơm phức mà Chớ đã chuẩn bị sẵn trong bữa cơm tối mừng "ngày chiến thắng".

< Nằm giữa triền núi ngắm mây bay và nghe gió lộng.

Còn khoảng 2 tiếng nữa là về đến lán, bụng tôi trống rỗng và cơn đói ùa đến hoa cả mắt. Bánh kẹo mang theo đã lỡ ăn hết khi đợi porter mang cơm lên khi ở trên đỉnh, tôi bị tụt huyết áp khi cả nhóm cùng đi không còn một chút đồ ăn dự trữ nào. Mồ hôi túa ra dù ở giữa khoảng gió lồng lộng, chân tay tôi run rẩy, cố gắng bám theo từng bước chân người bạn đồng hành phía trước. Lo lắng cho tôi, anh lục lọi trong túi áo một chiếc kẹo cao su, giục tôi nhai để tiếp thêm chút đường cho cơ thể. Tôi gần như không nói gì suốt đoạn đường còn lại, trong lòng chỉ trút được gánh nặng khi nhìn thấy vạt khói bay lên xa xa từ phía căn lán nhỏ.

Buổi tối cuối cùng ngủ lại giữa ngàn sao Bạch Mộc, rút cục thiên nhiên cũng thết đãi chúng tôi bằng trời trong gió nhẹ. Sau bữa cơm dọn dưới trời gió lộng, chúng tôi quây quần bên bếp lửa, chuyền tay nhau ca trà nóng hổi và chai rượu ngô còn sót lại, ngắm bầu trời sao chưa bao giờ lung linh hơn thế. Tối muộn, rượu vừa hết, bỗng nhiên căn lán nhỏ của chúng tôi đón thêm một đoàn khách.

< Những đoạn đường trơn trượt như những chiếc bẫy.
Dulichgo
Một nhóm khách du lịch vừa khởi hành chiều nay, đến đây chỉ để mong sáng mai được ngắm mây núi Muối. Ngay lập tức, cả căn lán xôn xao hẳn lên. Tự cho mình là chủ nhà, chúng tôi xăng xái giúp nhóm khách mới thổi cơm, nhóm lửa, trước khi cùng nhau quây quần bên bếp lửa, nhâm nhi bình rượu họ vừa mang tới với thịt bò rừng xé nhỏ. Đêm cứ thế trôi qua thật nhẹ nhàng.

Sáng sớm mai, chúng tôi được ngủ nướng thêm chút so với dự định, bởi trời lại mưa nên kế hoạch ngắm bình minh núi Muối bị “phá sản”. Khi tỉnh dậy, lại một bữa sáng với mì tôm rau cải, chúng tôi vẫn rồng rắn đi tìm núi Muối dù biết chắc sẽ chẳng có biển mây nào giữa không gian mù mịt thế này. Rời núi Muối trở về căn lán, đồ ăn, nước uống sẵn sàng trong balo, chúng tôi nói lời chào Bạch Mộc.

Quãng đường trở về ngắn hơn rất nhiều so với lúc leo lên, nhưng chúng tôi không đi mà “trượt” theo đúng nghĩa đen. Cơn mưa ẩm ương suốt hai ngày khiến đường rừng lầy lội trơn ướt không thể bước. Đeo găng tay vào, chúng tôi bám vào tất cả những gì có thể trên đường đi: thân cây, rễ cây, cành lá… và trượt tuốt từ trên đỉnh xuống chân Bạch Mộc. Không còn có thể đi giữa đường, chúng tôi phải men sát vào giữa những bụi cây, tận dụng những tầng lá mục rụng dày dưới chân để giảm độ trơn.

Những con suối trong veo mơ mộng khi đi giờ trở thành ác mộng bởi những tảng đá to xếp lớp lớp bên bờ suối dốc đứng giờ trở thành cái bẫy chực chờ. Suốt hay ngày, leo qua những mỏm đá cao, trèo xuống vực sâu, tôi không ngã. Ấy vậy mà trong đoạn đường về tôi đã trượt chân ngã oạch không biết bao nhiêu lần. Cứ đi sau, thể nào chúng tôi cũng nhìn thấy đủ mọi vết trượt để lại bởi người đi trước. Ngã nhiều, nên xuống đến bản Kỳ Quan San, việc đầu tiên chúng tôi làm chẳng phải là reo hò hạnh phúc mà là ngay lập tức lội xuống con suối to đầu bản hì hục dội rửa quần áo, đầu tóc nặng trĩu bê bết dấu tích của rừng.

< Bản Kỳ Quan San đã ở dưới chân khi trời bắt đầu ngả sang chiều.
Dulichgo
Đặt chân về Sa Pa, thay đôi giày và bộ đồ mới thơm tho sau những phút ngâm mình trong bồn tắm lá thuốc, tôi vẫn ngỡ như mình vừa bước ra từ một giấc mơ. Giấc mơ ấy có quá nhiều điều tuyệt đẹp, và có cả những phút giây lặng người nín thở. Chẳng được chạm tay vào biển mây bồng bềnh như người ta thường kể mỗi khi nghĩ về Bạch Mộc, nhưng hai ngày mộng mị ấy đã cho tôi nhiều hơn một chuyến đi, nhiều hơn một trải nghiệm, nó cho tôi những xúc cảm dài mãi một cuộc đời. Để mãi sau này, mỗi khi thấy mệt và nhắm mắt, tôi sẽ lại thèm cái lạnh hun hút gió sương giữa đỉnh núi mây vờn, giữa đêm khuya vừa lạnh vừa ấm, thèm hăm hở lao đi, theo nhau và bỏ lại mọi vẩn vơ, chỉ biết đến những gì trước mặt và cái ấm nồng xiết chặt nơi tay...
(Hết)

Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 1: Đi trong mưa rừng Bạch Mộc
Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 2: Chạm tay vào đỉnh mây
Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 3: Những cái “bẫy” trên đường về

Theo Tịnh Tâm, Wasabi (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 1: Đi trong mưa rừng Bạch Mộc

(iHay) - Tôi chọn Bạch Mộc cho một ngày lòng chơi vơi nhớ núi, chỉ vì cái tên của ngọn núi này…quá đẹp.
< Bản Kỳ Quan San vừa qua mùa gặt, những thửa ruộng bậc thang loáng nước sau cơn mưa.

Bởi trót nhớ một cái tên

Bạch Mộc Lương Tử - cái tên mơ màng mộng mị nhất trong số mười ngọn núi được xếp hạng cao nhất Việt Nam, dễ khiến người ta nhắm mắt lại là mường tượng ra những biển mây chập chờn hư ảo, những khoảng rừng già thẳm sâu hun hút, những vạt sương lạnh rơi lấp loáng khi nắng chiều đã thôi tràn trên vách đá. Chẳng mấy quan tâm đến những bức ảnh bình minh núi Muối rực vàng lộng lẫy, tôi lên đường chỉ vì trót thương trót nhớ một cái tên.

< Đoạn đường đầu tiên dưới chân bản Kỳ Quan San – dốc nối dốc.

Nhưng nỗi thương nhớ ấy nhanh chóng biến thành sự thử thách khi những con dốc đứng thót tim liên tiếp dội xuống khi chúng tôi mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình. Đoạn đường bắt đầu từ bản Kỳ Quan San (huyện Bát Xát, Lào Cai) trở thành cơn ác mộng giữa buổi sáng ngả sang trưa đầy nắng, khi ba lô trĩu nặng trên vai kẻ lữ hành.
Dulichgo
Người dẫn đường góp chuyện: “Nhiều người bỏ cuộc sau đoạn dốc này lắm”. Chẳng lẽ mình lại là một trong số đó ư? Tôi nghĩ đến đoạn đường đầu tiên trong hành trình leo Fansipan, cũng thở dồn dập và mệt mỏi rã rời, cũng từng có ý nghĩ rằng sẽ bỏ cuộc, nhưng rồi cảm giác ấy sẽ sớm qua đi. “Cảm giác này sẽ sớm qua thôi”, tôi tự nhủ, cố dặn mình hít sâu, thở chậm, bước đi từng bước ngắn như người bạn đồng hành vừa khuyên. Bạch Mộc mờ sương còn xa, xa lắm.

< Đi vào rừng thẳm khi nắng còn lấp ló.

Đoạn dốc dài hơn 1km cuối cùng cũng kết thúc, mưa bắt đầu rơi khi Kỳ Quan San lùi lại phía sau. Những lối mòn băng qua nương ruộng sau mùa gặt, trơ lại gốc rạ xám xịt trong mù mưa lạnh lẽo. Mưa không quá to nhưng cũng không nhỏ, đủ để đôi ba người cứ ngần ngừ có nên mặc áo mưa hay là… mặc kệ. Trong hành trang của mỗi người chỉ có 2 bộ áo mưa mỏng, mà ngay ngày đầu tiên đã phải chạm trán với mưa rừng. Tôi sợ ốm, nên ngay lập tức trùm chiếc áo mưa mỏng vào người. Giữa chốn rừng núi hoang vu này, điều quan trọng nhất tôi phải tự dặn mình chính là: đừng ốm.

Cơn mưa ào lên rồi dịu lại, rồi lại phủ trùm trắng xóa từng đợt. Chúng tôi may mắn đến được lán nghỉ trưa ven đường khi trận mưa đỏng đảnh buông xuống từng chùm dày đặc. Bữa trưa nhanh chóng được chuẩn bị với giò lụa, dưa chuột thái chỉ kẹp bánh mỳ. Không thấy đói, nhưng tôi vẫn cố gắng ăn gần hết chiếc bánh mỳ to - “tiêu chuẩn” của mỗi người. Những miếng dưa chuột mát lạnh bỗng trở thành vị cứu tinh cho chiếc dạ dày không thèm ăn và cổ họng khô khốc vì mất sức.

Mưa đã ngớt, dù vẫn mệt nhưng chúng tôi vẫn phải lên đường ngay sau lời “dọa” sẽ không đến kịp điểm hạ trại trước khi trời tối. Đoạn đường phía trước là cánh rừng nguyên sinh đầy hiểm nguy, nếu phải lần mò trong đêm tối dưới mưa rừng tầm tã thì thật là một cơn ác mộng.

Dỗ giấc ngủ trong lán gỗ giữa rừng

< Căn lán gỗ nơi chúng tôi nghỉ ăn trưa, giữa bạt ngàn những nương lúa nhấp nhô.

Men theo con đường người dân đi làm thảo quả, chúng tôi thi thoảng gặp vài vết chân trâu, thậm chí là vài người dân bản dắt ngựa đi ngược chiều. Càng đi, con đường càng trở nên heo hút. Mưa vẫn lớt phớt rơi từ tán cây thảo quả, lọc theo mùi rừng ngai ngái ẩm ướt, mùi của rêu và gỗ mục, mùi của trái chín nục, và thi thoảng lướt qua chút hương mát lành của loại hoa rừng nào đó. Con đường vốn không bằng phẳng nay càng trở nên trơn trượt sau mưa.
Dulichgo
Những đoạn dốc bây giờ dựng đứng và trơn như láng mỡ. Hai cậu porter người Mông “trực” ở mỗi đoạn dốc, kiên nhẫn hướng dẫn từng bước chân. Sương mù bao trùm dày đặc, đứng ở bên này không nhìn thấy dốc bên kia, tôi thầm than thở trong lòng khi đến lượt mình đặt chân xuống. Một bước, hai bước, rút cục cũng có thể thở phào nhẹ nhõm khi lưng chạm vào những cánh tay đưa ra đỡ phía dưới.

< Những con suối mát lạnh và trong veo chảy ra từ vách đá.

Đoàn của tôi ít người, chẳng hiểu do sức lực đồng đều hay “lười” vượt lên phía trước mà chúng tôi cứ đi sát nhau, động viên, pha trò, chìa tay cho nhau khi cần thiết. Lúc này đây, những người đã vượt qua đoạn dốc trơn gấp khúc đang nhiệt tình động viên những người còn lại, ngay cả những thành viên yếu nhất cũng không bị bỏ lại phía sau.

Đi được nửa ngày, chúng tôi vượt qua một dòng suối lớn. Cả nhóm như reo lên ùa xuống vốc nước dội lên đầu, lên mặt. Con suối lạnh băng như ướp đá. Khứ - cậu porter 16 tuổi ngắt chiếc lá men lên tận nơi dòng suối đổ tràn xuống từ vách đá cheo leo, hứng nước đầy chiếc lá khum khum. Hơi liều, tôi uống thử. Nước mát lạnh người, và ngọt lịm, cái mát rượi chảy tràn trong người khiến mọi mỏi mệt biến tan. Lúc đó chẳng ngờ hai ngày sau, nước suối chính là vị cứu tinh của chúng tôi giữa rừng sâu núi thẳm.

Trời tối, bóng đêm như tấm màn buông dần, buông dần từng lớp mỏng, để lại vài tia sáng yếu ớt le lói từ những ngọn cây cao. Cánh rừng nguyên sinh ẩm ướt và rậm rạp, mưa đọng trên đầu, nước ngập dưới chân khi mặt đất dần biến thành lớp bùn loãng ngụy trang bằng rêu phong và cỏ dại.

< Điểm hạ trại ở độ cao 2.100m, nơi bếp lửa được nhóm lên giữa buổi chiều sương lạnh.

Tôi mệt đến nỗi chẳng còn nói nổi một điều gì, chỉ biết bám theo từng bước chân người bạn đồng hành phía trước. Ngay lúc ấy, tôi thèm biết bao một bộ quần áo khô ráo, một chiếc giường sạch sẽ để được vùi mình vào đó trong giấc ngủ không mộng mị.
Dulichgo
Cố chống lại cảm giác ẩm ướt bủa vây khắp cơ thể, và dưới đôi chân sưng phồng trong đôi giày ngập nước, tôi dùng chút niềm tin còn sót lại làm theo lời người bạn đồng hành: Chạm tay vào mỗi thân cây cổ thụ tôi đi qua, thầm xin rừng ban cho sức mạnh và sự bình an.

Chẳng rõ chúng tôi đã dò dẫm như thế bao lâu giữa các lùm cây bụi, mong tránh giẫm chân xuống bùn lầy, Khi mưa bụi và sương nặng trĩu giăng mờ vách núi, chúng tôi đã gần như reo lên khi bắt gặp bếp lửa rực hồng bên lán gỗ, bếp lửa mà A Chớ đã nhóm lên đón chúng tôi sau một ngày rệu rã. Quẳng balo xuống, tháo đôi giày sũng nước, quên cả đói, chỉ cần ngồi xuống bên bếp lửa, hong đôi tay sắp cóng lạnh vì sương núi, áp chút ấm êm lên đôi má lấm lem bụi đất, ấy là giây phút tôi cảm thấy sự nhẹ nhõm và thỏa mãn tràn ngập lòng mình.

Phải chăng khi càng vượt qua nhiều gian nan, người ta càng dễ thỏa mãn và vui vẻ với những sự dễ chịu nhỏ nhoi. Nhưng không, với chúng tôi lúc ấy việc được giải phóng đôi chân khỏi chiếc giày ướt sũng, duỗi thẳng ra bên bếp lửa ấm sau một ngày gập người trên những đỉnh đèo, hẻm vực, có lẽ cũng sung sướng ngang với việc vùi mình trong chăn đệm ấm êm của một resort hạng sang nào đó.
Ấy là chưa nói chỉ vài phút nữa thôi, trên bếp lửa còn có hai chú gà quay béo mọng thơm lừng.

Cơm đã nấu chín, gà đã nướng xong, mùi cơm thơm quyện trong hương củi cháy tỏa giữa đêm rừng mờ mịt như nhóm lên trong lòng một chút ấm áp ngọt ngào. Trời lại mưa, cả nhóm chen chúc trong lán gỗ, bày bữa cơm tối trên tấm ván rộng. Gà luộc, rau cải luộc gừng, rau xào thập cẩm, ngon lành và thơm nức. Cô bạn ngồi cạnh gắp cho tôi miếng gừng lẫn trong đĩa rau cải, cô nhớ tôi sẽ ngậm gừng khi sợ lạnh. Tôi cắn một miếng, chẳng biết hơi ấm của nó có giúp tôi ấm áp đêm nay, trong giấc ngủ giữa đại ngàn.
Dulichgo
Đêm! Mưa thấm ướt hai chiếc lều dựng sẵn, chúng tôi nằm sát nhau dỗ giấc ngủ trong lán gỗ. Nằm xuống, tiếng mưa rơi càng nặng hạt. Chẳng rõ mấy miếng dán giữ nhiệt hay hơi ấm của hơn chục người trong không gian bé xíu khiến tôi không thấy lạnh. Mặc mù mưa phả vào hai má, tôi nằm im lắng nghe mưa rơi phủ trùm căn lán nhỏ giữa rừng già, những tiếng động xa lạ vọng lại, tiếng than thở của đại ngàn hay tiếng loài thú hoang nào đó mải miết tìm nhau. Mắt vẫn nhắm lại nhưng giấc ngủ không chịu đến, tôi chìm vào những mộng mị vẩn vơ cho đến khi những vệt sáng mờ ảo đầu tiên chậm rãi luồn vào qua khe cửa...
(Còn tiếp)

Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 1: Đi trong mưa rừng Bạch Mộc
Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 2: Chạm tay vào đỉnh mây
Hành trình lên Bạch Mộc - Kỳ 3: Những cái “bẫy” trên đường về


Theo Tịnh Tâm, Wasabi (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!