Xã hội phát triển, đồng bào Hrê thôn Làng Zút 1 xã Ba Nam (Ba Tơ) tích cực "hội nhập", tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để cải thiện cuộc sống. Đồng thời vẫn giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống, góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào mình.
< Nhà sàn ở triền núi Nước Kê, Nước Sốc nhìn từ trung tâm xã.
Giữ nếp nhà sàn
Già làng Phạm Văn Men, tự hào: "Nếu như người Kinh chọn cho mình mảnh đất bằng phẳng cách xa núi rừng để làm nhà ở thì đồng bào Hrê thường làm nhà bên sườn đồi, trên những con suối. Điều này bắt nguồn từ xưa kia rừng còn rậm, để tránh thú dữ tấn công và mùa đông trời giá lạnh, bà con phải làm nhà sàn để ở, sinh hoạt cho tiện".
Hết lớp đến lớp, người Hrê vừa lọt lòng mẹ đã nằm trên nhà sàn và lớn lên cũng từ nhà sàn. Do vậy, nhà sàn là một trong những nét đặc trưng về bản sắc văn hóa của dân tộc Hrê.
Làng Zút 1 chỉ cách trung tâm xã Ba Nam hơn 1km. Làng nằm dưới chân núi Nước Kê, Nước Sốc, bên cạnh con Suối Lếch - một trong những con suối đầu nguồn của sông Liên. Làng hình thành khá lâu rồi nên bên những ngôi nhà sàn chắc chắn còn có những hàng cau cao vút. Chiều xuân trời bắt đầu lạnh, khói bếp bay la đà trên những nóc nhà sàn thấy thật ấm áp. Từ dưới trung tâm xã nhìn lên triền núi Nước Kê thấy nhà sàn nhấp nhô đẹp như tranh.
< Nếp nhà sàn của đồng bào H'rê tọa lạc trên triền núi thôn Làng Zút 1 đẹp như tranh vẽ.
Dulichgo
Làng có 45 nóc nhà. Mỗi nhà sàn dựng lên cơ bản giống nhau, nhưng kích cỡ khác nhau. Nhà nào khấm khá thì sử dụng 8 trụ bằng cây ké chắc chắn kèm theo 8 trụ cột phụ để đỡ sàn nhà. Nhà phần lớn rộng 4 mét, dài 12 mét. Ở phía đầu tra (đầu nhà) thường dành cho đàn ông trai tráng trong nhà tiếp khách, đầu tra phía dưới thường dành cho phụ nữ con cái sinh hoạt, hay để cày bừa, thúng, gùi. Ngăn bên trong nhà được phân ra làm nhiều khoảnh nhỏ. Khoảnh để làm bếp, khoảnh để ngủ. Nhiều nhà, có vài ba thế hệ sống chung. Khách có thể phân biệt mỗi gia đình ở một ngăn bên trong qua từng cửa sổ để tiện bề sinh hoạt.
Mỗi người làng là một người thợ
Nhiều đồng bào Hrê trong làng cho hay: Làm được ngôi nhà sàn, nhiều gia đình phải chuẩn bị vật liệu nhiều năm trời. Bắt đầu là chuẩn bị cây để làm cột, thứ đến là nứa, lồ ô hay ván để lót sàn, rồi đến chuẩn bị dây mây, dây rừng và cây làm đòn tay, đòn dông... Bên cạnh chuẩn bị vật liệu, bà con còn chuẩn bị lương thực như lúa, gạo, thịt rừng và cả củ mì để làm rượu cần, để ngày dựng nhà người làng có cái ăn và cả thức uống.
< Đồng bào H'rê sinh hoạt ở nếp nhà sàn tiện hơn nhà trệt.
Trưởng thôn Làng Zút 1 Phạm Văn Hải, chia sẻ: "Ngày xưa, trong làng có người làm nhà là cả làng vui, nhộn nhịp lắm. Già làng thường huy động đàn ông, trai tráng trong làng lên núi Nước Kê, Nước Sốc kiếm cây về làm nhà giúp cho gia chủ. Khi vật liệu đầy đủ, mỗi đàn ông đều trở thành người thợ đảm đang. Họ tập trung lại, người xẻ gỗ, đào lỗ chôn cột, người đập cây lồ ô thành miếng, kết thành tấm. Sau 3 ngày chuẩn bị vật dụng đầy đủ người làng cùng nhau hò dô dựng nhà. Còn phụ nữ, con gái thì cùng nhau nấu ăn cho gia đình và cả bà con đến giúp sức xây dựng. Nhờ giúp đỡ nhau nên nhiều ngôi nhà sàn xinh xắn cứ thế mọc lên bên sườn đồi.
Dulichgo
Chuyện xây dựng nhà sàn ngày xưa đơn giản là thế nhưng chứa đầy tính nhân ái, tương trợ lẫn nhau. Nhiều người khẳng định: "Cây keo bây giờ có giá lắm, đường cái lại thông thương, rừng không còn thì bán cây nguyên liệu keo để dành tiền mua ngói, mua xi măng đổ trụ cột làm nhà sàn". Chính vì cách nghĩ này, mà nếp nhà sàn của bà con ở thôn Làng Zút 1 vẫn cứ tồn tại theo năm tháng. Nó tồn tại một cách bền bỉ, chắc chắn tọa lạc bên những sườn đồi.
Theo Mai Hạ (Quảng Ngãi online)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét