Từ trung tâm thành phố Lào Cai, đi theo Quốc lộ 4D về phía bắc khoảng 50km, du khách sẽ đến huyện Mường Khương. Trong làn sương mỏng, Mường Khương dần hiện ra giữa những dãy núi cao sừng sững, những hàng sa mu xanh ngắt. Trong lòng những dãy núi bao quanh thị trấn Mường Khương như bức tường thành khổng lồ, từ hàng triệu năm trước, thiên nhiên đã kiến tạo nên hệ thống hang động vô cùng phong phú.
< Hang Hàm Rồng.
Đối diện với núi Cô Tiên về phía đông nam là hang Hàm Rồng thuộc thôn Na Bủ, xã Tung Chung Phố. Hàm Rồng là quần thể gồm 4 hang, trong đó có 2 hang nối liền nhau với tổng chiều dài 750m.
Trong hang có nhiều nhũ đá màu ánh bạc, đan xen nhau, tạo thành bức màn đá rất đẹp. Hai bên vách hang là những thạch nhũ hình thù đa dạng. Hang Hàm Rồng chứa đựng nhiều dấu tích dân gian phong phú và hấp dẫn, phần nào phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Mường Khương.
< Thác Thác Tà Lâm - Mường Khương.
Nằm trong lòng các dãy núi đá vôi còn có hang Lũng Pâu (xã Tung Chung Phố), hang “Nấm Ọc” (xã Nấm Lư), hang “Mười Ngựa” (xã Tả Ngải Chồ) - những nơi còn lưu giữ khá nhiều dấu tích cổ xưa; hay động Cao Sơn (xã Cao Sơn) với nhiều hình thù độc đáo như: ruộng bậc thang, bàn đá, các nông cụ sản xuất…
Dulichgo
Bên cạnh quần thể hang động, Mường Khương còn có những cánh rừng già nguyên sinh với rất nhiều loại gỗ quý và hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Ngoài ra, đến đây, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều ngọn thác như: thác Hàm Rồng, Văng Leng, Tà Lâm…, trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến thác Tà Lâm nằm giữa hai dãy núi, bao gồm ba tầng thác tung bọt trắng xóa.
Không chỉ có vẻ đẹp kỳ thú được thiên nhiên ưu ái ban tặng, Mường Khương còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Một trong những nét văn hóa đặc sắc được đồng bào các dân tộc ở Mường Khương gìn giữ là chợ phiên. Đây là hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Tại những phiên chợ, đồng bào vùng cao từ khắp các thôn, bản trong huyện mang các sản vật đến để trao đổi, buôn bán. Góc này là su su, bắp cải, cải xoong xanh mướt; góc kia là can rượu ngô Cốc Ngù thơm nồng, bao gạo Séng Cù trắng ngần hay chai tương ớt Mường Khương tươi đỏ; góc khác lại là gà đồi, lợn Mán... Dạo qua góc ẩm thực, du khách sẽ bị chinh phục bởi mùi hương thơm phức tỏa ra từ chảo thắng cố, từ bát phở vùng cao nghi ngút, xiên cá nướng, xiên thịt treo hay xiên lạp xường còn thơm mùi khói...
Tất cả đều sẽ để lại ấn tượng không thể nào quên trong lòng du khách.
Đến thăm những phiên chợ vùng cao Mường Khương, du khách còn được nhìn ngắm những bộ trang phục truyền thống, rực rỡ sắc màu của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Dao, Nùng… Mường Khương có 14 dân tộc sinh sống. Mỗi tộc người lại có trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở và phong tục, tập quán riêng biệt. Chợ phiên cũng chính là dịp để các chàng trai, cô gái giao lưu, trò chuyện tâm tình, kết bạn.
Dulichgo
Lên Mường Khương, du khách đừng bỏ qua cơ hội tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân địa phương như: hội cúng rừng (cấm bang) của người Nùng, lễ Sải Sán của người Mông hay lễ mừng cơm mới, đám cưới, đám ma khô của các dân tộc khác... Tại lễ hội, các trò chơi dân gian truyền thống như: ném pao, kéo co, đẩy gậy… được tổ chức càng làm tăng thêm nét hấp dẫn, độc đáo của văn hóa xứ Mường.
Trong kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu vùng Tây Bắc, Mường Khương còn có điệu múa khèn, múa sinh tiền uyển chuyển; tiếng hát giao duyên thắm đượm tình người của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông; điệu múa ngỗng, múa ngựa khỏe khoắn, đầy tinh thần thượng võ của người Nùng; và hàng trăm câu truyện cổ, các làn điệu dân ca, dân vũ...
Nhận thấy tiềm năng du lịch phong phú của địa phương, ngay từ năm 2009, huyện Mường Khương đã tổ chức một số tuyến, điểm du lịch như: Hàm Rồng (gồm hang động, thác nước Hàm Rồng, chợ phiên trung tâm huyện), Văng Leng (gồm làng văn hóa Văng Leng thuộc xã Tung Chung Phố và hang Nấm Oọc thuộc xã Nấm Lư), Cao Sơn (gồm chợ phiên Cao Sơn và làng nghề - làng văn hóa Ngải Phóng Chồ thuộc xã Cao Sơn).
Bên cạnh đó, huyện còn đưa vào thử nghiệm hai tuyến du lịch mới thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước là: thành phố Lào Cai - thác nước Tà Lâm - Pha Long - Tả Gia Khâu (Mường Khương) - Bản Mế (Si Ma Cai) - thành phố Lào Cai; thành phố Lào Cai - Lùng Khấu Nhin - thôn Mường Lum (xã La Pán Tẩn) - Bản Cầm (Bảo Thắng) - thành phố Lào Cai.
Dulichgo
Việc khai thác tiềm năng du lịch không những giúp Mường Khương quảng bá hình ảnh một mảnh đất vùng cao tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa mà còn góp phần bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Mường Khương vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ, thú vị, sẵn sàng chào đón du khách tới thưởng ngoạn, khám phá.
Theo Phạm Phương (TTTTDL)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét