Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Di tích thành cổ Châu Sa

(QNĐT) - Châu Sa hay thành Hời là tên một thành do người Chăm tạo dựng, tọa lạc tại khu vực hạ lưu, tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tòa thành cổ nằm cách TP. Quảng Ngãi 7 km về phía đông bắc, cạnh tuyến quốc lộ 24B, từ Quán Cơm (giáp QL số 1) đi cảng biển Sa Kỳ; phía nam giáp sông Trà Khúc, phía bắc giáp sông Hàm Giang, phía đông giáp cánh đồng Dinh, phía tây giáp núi Bàn Cờ.

Trên khắp cõi Việt Nam, đây là thành đất duy nhất mà người Chăm còn để lại với những dấu tích cho phép nhận diện khá rõ vị trí, quy mô, bố cục cũng như vai trò của tòa thành đối với vùng đất có thể là một tiểu quốc của họ, nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tiểu quốc nầy nằm về mạn nam tiểu quốc Amaravati (nay thuộc vùng đất Quảng Nam) và cùng thần phục vương triều (mandala) Indrapura.

Tại đây, sông Trà Khúc, cửa Đại Cổ Lũy, thành Châu Sa, tháp Chánh Lộ là những công trình thiên nhiên và nhân tạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng, thích ứng với hệ thống trao đổi ven sông  (riverine exchange network) giữa miền ngược và miền xuôi cũng như giữa những tiểu quốc với nhau(1).

Thành Châu Sa có 2 lớp thành: thành nội và thành ngoại. Thành nội hình chữ nhật, đắp bằng đất, hình dạng gần vuông (580m x540m), cạnh dài nằm theo hướng bắc- nam. Chiều cao tường thành hiện đo được 4-6m, chân thành rộng 20-25m, mặt thành rộng 5-8m.

Quanh thành có hào nước rộng 20-25m(2). Thành nội mở 5 cửa đông, bắc, tây, nam và tây nam. Các cửa đông, nam và tây nam đều có công trình kiến trúc bằng gạch nhô lên cao, có thể là những vọng lâu. Quan sát cửa nam, nơi được đào đắp, gia cố công phu hơn các cổng thành còn lại, trong tổng thể khu thành và địa hình chung quanh, cho phép đoán định đây là cửa chính của thành Châu Sa.

Thành ngoại, kết hợp giữa các đoạn đào đắp với địa hình tự nhiên, khéo léo tận dụng các đồi núi thấp và các sông con, rạch nước, ao đầm vốn chằng chịt trong vùng. Thành ngoại chỉ đắp ba cạnh ở các phía tây, đông và bắc, trong đó cạnh thành tây và đông đắp kiên cố, cạnh thành bắc chủ yếu dựa vào núi non. Phía nam, nhìn ra sông Trà Khúc, không có bờ thành.

Điểm đặc biệt của thành Châu Sa là khoảng giữa thành nội và thành ngoại, về mạn nam, có hai gọng thành hình càng cua đối xứng qua trục nam bắc. Gọng thành phía tây, bắt đầu từ góc tây nam thành nội, dài gần 700m, còn phía đông, bắt đầu từ góc đông nam, dài chừng 500m.

Tuy đắp bằng đất, nhưng thành Châu Sa có quy mô đáng kể, án ngữ một vị trí khá trọng yếu ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc. Tầm nhìn chiến lược và sự khôn khéo của những người xây dựng tòa thành thể hiện ở sự kết hợp chức năng quân sự - phòng thủ với vai trò dân sự - kinh tế. Sự tập trung dân cư bên trong thành, như các phát hiện khảo cổ học cho thấy, và việc nối kết hào thành với sông rạch tự nhiên, hình thành mạng lưới đường thủy, mặc nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương tại chỗ cũng như trao đổi hàng hóa, sản vật với bên ngoài, thông qua sông Trà Khúc và cửa Đại, Cổ Lũy.

< Một đoạn thành nội Châu Sa.

Từ Châu Sa nhìn về phía đông nam, bên hữu ngạn sông Trà Khúc là núi Phú Thọ, thành Hòn Yàng, thành Bàn Cờ và phòng thành Cổ Lũy. Đây là những tiền đồn, án ngữ và tạo thế ỷ dốc bảo vệ  Châu Sa từ phía biển. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm xây dựng thành Châu Sa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những cuộc dấy loạn, quấy phá của các tiểu quốc, giữ yên mạn nam kinh đô Indrapura, đồng thời sẽ là nơi có thể lui quân phòng thủ trong trường hợp bị các lực lượng quân sự vốn mạnh hơn, từ phía bắc tiến công.

Quá trình phát hiện và nghiên cứu thành cổ Châu Sa bắt đầu từ năm 1924 khi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier (1871 -1949) tình cờ tìm thấy một bia đá, sau này gọi tên là “Bia đá Châu Sa”. Minh văn khắc trên 4 mặt bia đá thông tin về 2 vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875 – 982) là Indravarman II và Yaya Simhavarman, cũng như niên đại dựng bia là năm 903.

Vị vua đầu Indravarman II, sau khi được triều đình Chăm (khi đó là vương triều Panduranga phía nam) tôn phù lên ngai vàng, đã chuyển kinh đô từ vùng Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) ra phía bắc và lấy tên mình đặt tên cho quốc đô mới - Indrapura.

< Bệ thờ Châu Sa trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi.

Vị trí Indrapura nay thuộc khu vực di tích Đồng Dương (Quảng Nam). Dưới thời trị vì của Indravarman II, vương quốc Chăm trở nên thịnh trị và có quan hệ giao lưu rộng rãi với các nước trong vùng, Phật giáo được truyền bá mạnh mẽ từ giới quý tộc đến dân chúng. Sự hưng thịnh của vương triều vẫn tiếp tục sau khi Indravarman II qua đời và người cháu là Jaya Simhavarman lên nối ngôi. Như vậy, từ minh văn bia đá Châu Sa, có thể biết được tòa thành này tồn tại muộn nhất là trong thời kỳ trị vì của vương triều Indrapura (875 -982).

Chính sử cho biết: Sau cuộc hành quân Nam chinh năm 1471, thu phục vùng đất từ phía Nam đèo Hải Vân đến quá đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập Đạo thừa tuyên Quảng Nam- đạo thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt (vùng đất ngày nay bao gồm gần hết các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và thành phố Đà Nẵng), đặt thủ phủ (lỵ sở Tam ty) tại thành Châu Sa.

< Dấu tích hào thành phía nam.

Lúc bấy giờ, trong 13 đạo thừa tuyên của nước Đại Việt, 12 đạo có chức Án sát đứng đầu, riêng đạo thừa tuyên Quảng Nam đặt 3 ty (Tam ty) là Đô ty, Thừa ty và Hiến ty cai quản. Cách đây không lâu, người dân địa phương đã phát hiện tại thành cổ Châu Sa một con triện bằng đồng của Tam ty thời Lê. Con triện hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, thành Châu Sa do vương quốc Chăm xây dựng, là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của một địa khu có thể là một tiểu quốc mà sử cũ thường gọi là Chiêm Lũy động 占  壘 洞 hoặc Cổ Lũy động 古  壘 洞, nay thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tòa thành này “không chỉ thu hút sự lưu tâm của các quân vương vương triều Indrapura mà còn là một trong những địa điểm quan trọng thông thương với các nước trong khu vực từ những thế kỷ IX – X”(3) .

< Các nhà nghiên cứu nước ngoài nghiên cứu giá trị của Trường Lũy - Quảng Ngãi.

Sau nhiều biến động của lịch sử, từ nửa cuối thế kỷ XV, nơi đây đã thuộc về triều đình phong kiến Đại Việt và được dùng làm thủ phủ của các cơ quan cai quản  đạo Thừa tuyên Quảng Nam, trong đó có phủ Tư Nghĩa, nay là vùng đất tỉnh Quảng Ngãi.

Sách Đại Nam nhất thống chí, chép về thành Châu Sa như sau: “Thành cổ Châu Sa ở xã Châu Sa huyện Bình Sơn. Chu vi hơn 5 mẫu 5 sào. Tương truyền có hai thuyết: một thuyết nói là thành đại la của nước Chiêm Thành; có thuyết nói là vệ thành của Tam ty đời Lê. Chưa rõ thuyết nào đúng”(4).  Sự phân vân của Quốc sử quán triều Nguyễn tưởng đã có lời giải đáp bằng những dữ kiện xác tín từ sử học và khảo cổ học.

Di tích thành cổ Châu Sa đã được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 153/QĐ-BT ngày 25/1/1994.

(1): Bronson Bennet, 1977. “Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes Toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia”, Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography [Hutterer, Karl L. ed.]: 39-52. Ann Arbor: Center for South and Southeast Asia Studies, The University of Michigan.
(2): Lê Đình Phụng, Thành Châu Sa, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, 1988, tr.198-199.
(3): Ngô Văn Doanh; Thành Châu Sa và dấu tích quan hệ giữa Champa với các quốc gia biển. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 317- tháng 11/2010.
(4): Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí; nxb Thuận Hóa; Huế; trang 429

Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Thành cổ châu Sa - Quảng Ngãi

Trải nghiệm ở đảo Thanh Lân

Thanh Lân là một xã Đảo thuộc Huyện Cô Tô với diện tích 27km2 với trung tâm xã nằm ở giữa đường cong hình cánh cung.

Là một đảo lớn trong quần đảo Cô Tô, có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng an ninh biển đảo; Thanh Lân được thiên nhiên ưu đãi nhiều bãi biển hoang sơ, thơmộng rộng khắp quanh đảo, các bãi đá trầm tích có từ hàng nghìn năm tuổi, có nhiều hình thù khác nhau tạo nên sự kì vĩ. Những cánh rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn. Ngọn đồi uốn lượn bao bọc theo những bãi cát dài đẹp tựa như những nàng tiên đang thả mình tắm ngắm biển. 

Từ bến đò thị trấn Cô Tô đi đò máy ra xã đảo Thanh Lân mất chừng hơn 20 phút. So với trung tâm thị trấn Cô Tô, du lịch ở Thanh Lân phát triển muộn hơn. Ở đây phong cảnh thiên nhiên còn khá hoang sơ, đặc biệt Thanh Lân nổi bật với những bãi tắm mà khó nơi đâu có được với bãi đá trầm tích hàng nghìn năm tuổi và những cánh rừng nguyên sinh bám theo những bãi cát dài của biển.
Dulichgo
Đến Thanh Lân, điểm đầu tiên du khách không thể bỏ qua, đó là vụng Ba Châu, nằm cách trung tâm xã đảo Thanh Lân khoảng 4km. Đây là một trong những bãi biển đẹp và còn nguyên vẻ hoang sơ, gồm 3 vụng cát và các bãi đá tạo thành một lòng chảo.

< Rừng nguyên sinh tại Thanh Lân.

Bãi biển thoải đều, có cát trắng mịn và nước trong vắt nhìn rõ cả đáy. Hai bên đầu bãi là hệ thống các mỏm đá với những hình thù độc đáo và được bao phủ bởi cánh rừng nguyên sinh với những vạt thanh mai xanh mướt hay hàng rau muống biển mọc lan trên bãi cát, góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên của vụng Ba Châu.
Dulichgo
Từ trên cao nhìn xuống vụng Ba Châu như hút hồn du khách bởi một màu xanh trải dài tới tận chân trời. Đặc biệt khi hoàng hôn buông xuống, vụng Ba Châu như khoác lên mình một tấm áo mới mang màu sắc trầm lặng hơn, tĩnh mịch hơn, tạo nên một khung cảnh đẹp đến nao lòng. Đây là điểm nhấn, điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến du lịch tại xã đảo Thanh Lân.

Bãi biển thứ 2, khi du khách đến Thanh Lân nên ghé qua, đó là bãi tắm Hải Quân. Bãi tắm này có chiều dài khoảng hơn 1km, bãi thoải, cát trắng mịn, nước trong, sóng đẹp. Sở dĩ có tên gọi Hải Quân là vì trước kia bãi tắm do một đơn vị hải quân quản lý.

Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác sảng khoái bởi không khí trong lành, mát mẻ của cánh rừng nguyên sinh và gió biển trên con đường dẫn du khách đến với bãi biển. Ở đây cùng với hoạt động tắm biển, khám phá rừng, du khách sẽ được trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ”, được tập luyện, ăn nghỉ và hiểu rõ hơn về cuộc sống của các chiến sĩ đảo.

< Hồ nước ngọt trên đảo.
Dulichgo
Ngoài hai bãi biển kể trên, Thanh Lân còn sở hữu các bãi tắm đẹp khác như: Bãi biển trung tâm xã dài gần 1km, là nơi tránh trú của các tàu thuyền. Hay bãi tắm C67 cát trắng mịn, sóng đẹp, bãi biển hoang sơ nằm bên cánh rừng nguyên sinh thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá, cắm trại, tắm biển cùng với hoạt động trải nghiệm câu cá, câu mực, bắt ốc…

Không chỉ vậy, từ Thanh Lân, du khách cũng có thể đi tham quan các đảo nhỏ trên biển như: Hòn Miều, Thanh Mai… Chắc chắn những trải nghiệm trên đây sẽ mang lại cho du khách cảm giác thú vị và đặc biệt hơn khi đến và khám phá Thanh Lân.

Khám phá Thanh Lân

Theo Báo Quảng Ninh và nhiều nguồn khác
Du lịch, GO!

Trên đỉnh Mẫu Sơn

Chúng tôi lên đến đỉnh Mẫu Sơn thì đã thấm mệt. Ngọn núi cao tới 1.541 mét này được bao bọc xung quanh bởi núi Cha và hơn 80 ngọn to nhỏ sum vầy. Bỗng thấy choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ của một vùng đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Từ đỉnh Mẫu Sơn, chỉ thấy bốn bề rừng núi trùng điệp xanh ngút ngàn, gió lồng lộng thổi mang theo mùi vị ngai ngái lạ lùng từ đại ngàn...

Trải nghiệm hương rừng, gió núi

Đỉnh Mẫu Sơn nằm cách trung tâm TP Lạng Sơn 30km về phía Đông Bắc. Từ Hà Nội, có thể bắt xe bus tuyến Hà Nội - Lạng Sơn tại Cửa Đông hoặc bến xe Mỹ Đình có tuyến đi Lạng Sơn. Đến Lạng Sơn, chúng tôi chọn cách thuê xe máy để tới thăm khu du lịch Mẫu Sơn. Đoạn đường lên núi dài 15km được xem là gian nan và khó khăn nhất với những khúc cua lượn, gấp khúc liên tục. Với những tay lái cừ khôi nhất cũng chỉ dám đi với tốc độ 15-20 km/giờ.

Là điểm du lịch được nhiều người biết tới từ lâu nên dịch vụ du lịch ở Mẫu Sơn cũng đã hình thành tuy chất lượng chưa được cao. Điều đó hầu như chẳng có nghĩa gì khi bạn được tận hưởng một cảnh quan, một bầu không khí đậm chất văn hoá bản địa của vùng núi này.
Dulichgo
Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết.  Tháng 5, đỉnh Mẫu Sơn thêm phần lãng mạng với vẻ đẹp của những vườn hoa cẩm tú cầu rực rỡ, lung linh trong buổi sớm mai. Loài hoa này được đưa lên trồng ở Mẫu Sơn từ những năm đầu thế kỷ XX khi người Pháp phát hiện và cho xây dựng những khu biệt thự nghỉ dưỡng dành cho các quan chức Pháp và thuộc địa. Cùng với đó là mùa đào bắt đầu chín, du khách đã lên Mẫu Sơn khó có thể cầm lòng trước những quả đào căng mọng, ngọt lịm ấy...

Đỉnh Mẫu Sơn không có chợ, lẻ tẻ từng nhóm bà con dân tộc thiểu số quây quần bán những sản vật địa phương. Từ mật ong rừng, vài nhánh lan rừng, chanh rừng, lá thuốc, mắc mật, đào... thứ gì cũng rất tươi ngon và được bày biện giản đơn. Không chèo kéo khách, cũng chẳng nói thách như những người bán hàng ở chợ dưới  phố. Người bán hàng nơi đỉnh núi mang lại cảm giác tin tưởng và dễ chịu.

Nhà nghỉ ở Mẫu Sơn khá nhiều, vị trí đẹp mắt và được trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cả vừa phải, dao động từ 300 -500 ngàn đồng/phòng đôi. Thức ăn ở Mẫu Sơn không có sẵn, bạn nên đặt trước với nhà nghỉ hoặc mang đồ ăn từ dưới phố lên. Các món ăn đặc sản nên thưởng thức là lợn sữa quay, vịt quay Lạng Sơn, ếch hương, gà thả rong nướng trên than cỏ tranh, cơm lam hay thịt kho lá mắc mật. Rau rừng ở đây rất ngọt và tươi, có nhiều loại như su su, rau ngót rừng hoặc hoa chuối.

Không chỉ có núi non hùng vĩ, Mẫu Sơn còn có con suối Long Đầu chừng 10km chảy trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái của huyện Lộc Bình. Suối được bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có độ cao trên 1000m chảy theo hướng Bắc Nam qua những triền dốc, những khu rừng già của thôn Lặp Pịa về vùng thấp hơn. Trừ mùa mưa lũ dòng suối có vẻ hung dữ, còn thời điểm này suối Long Đầu mang một vẻ đẹp hiền hòa với dòng nước trong vắt mát lành.

Đêm trên Mẫu Sơn, trước tiên hãy thư giãn và ngâm mình trong bể tắm lá thuốc dân tộc của người Dao, ăn tối và thưởng thức trà San Tuyết - một loại trà chỉ sinh tồn ở trên vùng núi cao của 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Mua vài gánh củi của người dân tộc và đốt lên ngọn lửa trại ấm áp trên sườn núi. Giữa thiên nhiên hoang dại và gió núi, nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn được chưng cất từ nước suối trên núi với những vị thuốc gia truyền quả là một trải nghiệm khó quên.

Câu chuyện về phiến đá thiêng

Trong ánh lửa trại bập bùng, chúng tôi trò chuyện với một người Dao Đỏ và được nghe một truyền thuyết : Trong một chuyến đi săn thú rừng, một người đàn ông Dao Đỏ ở bản Lặp Pịa (huyện Lộc Bình) đã mang một phiến đá có hình thù kỳ quái trên đỉnh núi Mẫu về nhà để dùng cho việc bếp núc. Ngay sáng hôm sau khi tỉnh giấc, người đàn ông phát hoảng khi nhìn thấy những giọt máu đang loang đỏ chảy ra từ phiến đá... Sợ quá, ông liền vác phiến đá trả lại đỉnh núi và cầu xin thần linh tha thứ. Truyền thuyết ấy cứ lưu truyền trong tộc người Dao từ đời này sang đời khác. Họ kể cho nhau nghe như một lời cảnh tỉnh thế hệ sau không được phép lấy cái gì cũng như làm tổn hại núi Mẹ.

Với người Dao, nơi đặt phiến đá thiêng đó cùng với khu vực phụ cận đã trở thành lãnh địa linh thiêng bất khả xâm phạm. Và với người Dao Đỏ Mẫu Sơn, đó là một nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh rất đặc biệt. Cũng chính từ truyền thuyết trên, nhiều khu đền thờ bằng đá đã ra đời ở Mẫu Sơn.

Ở đây, các nhà khảo cổ học cũng đã tiến hành khai quật trên đỉnh Mẫu Sơn và phát hiện hai điều rất độc đáo về kiến trúc đá nơi đây là mộ đá lớn và đền thờ bằng đá. Ngoài ra còn có rất nhiều di vật lịch sử có giá trị khác. Nhiều công trình đá cổ ở đây có niên đại từ thời đồ sắt, trùng với thời kỳ đầu của nền văn minh sông Hồng. Đáng tiếc là công tác bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó là hệ thống biệt thự cổ cũng đang bị bỏ ngỏ.

Khoảng đầu những năm 1900, người Pháp tìm ra đỉnh núi Mẫu Sơn, nơi được coi là điểm cao nhất vùng Đông Bắc bộ, khí hậu quanh năm trong lành. Năm 1916 người Pháp bắt đầu mở đường lên núi Mẫu Sơn. Từ dưới chân núi lên đến đỉnh khoảng 16km. Mở xong đường, người Pháp xây tổng cộng trên 40 biệt thự rải rác trên đỉnh núi.
Dulichgo
Đến nay, trong khoảng 10 ngôi biệt thự còn giữ được kiến trúc khá hoàn chỉnh, có đến quá nửa đang trong quá trình hoang hóa. Biệt thự 9 gian được đánh giá còn nguyên vẹn nhất hiện được dùng làm nơi làm việc của Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn. Đây là biệt thự được thiết kế một tầng, liền một khối, mang đậm kiến trúc Pháp. Điều đó đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa ở vùng núi Mẫu Sơn.

Theo Vũ Minh Duy (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Nẻo vui trên miền cao nguyên trắng

Miền đất của sương sớm mù giăng, của thơm nồng men rượu ngô lúy túy, của bạt ngàn trắng muốt sắc mận tam hoa, của những chợ phiên khi chưa xa đã nhớ... xứ sở non cao đi y là Bắc Hà, một điểm đến lạ quen - quen lạ trong sổ tay kẻ lữ hành miền xuôi.

< Một góc chợ phiên Cán Cấu trên tuyến đường từ Bắc Hà vào Si Ma Cai.

Vòng cung Đông - Tây Bắc luôn là một hành trình hấp dẫn không chỉ bởi những thử thách từ cung đường núi "lật bánh tráng - đổ bánh xèo" ở tứ đại đỉnh đèo, để rồi thăng hoa với cảm giác chinh phục, mà ở các mùa trong năm, mỗi thời khắc lại định hình nên những cung khám phá mới như rong ruổi theo mùa hoa tam giác mạch, theo dấu trà cổ thụ, lên miền cao nguyên đá (Đồng Văn - Hà Giang, Tủa Chùa - Điện Biên), đi dọc Hoàng Liên Sơn...

Còn với những hành trình ngắn ngày, nếu chọn khởi hành dịp cuối tuần, cung đường Bắc Hà - Si Ma Cai sẽ là một trong những điểm đến để có thể chạm vào những nét duyên khác lạ của miền non cao sơn cước xa xôi.

Dinh vua Mèo
Dulichgo
Rời bến xe trung tâm ngay chợ Bắc Hà sau một đêm lắc lư từ Hà Nội, màn sương dày đặc sớm mơ ở Bắc Hà quyện theo những bước chân, đồng hành cùng tôi đến khu dinh thự bề thế của Hoàng A Tưởng - "vua Mèo" của miền cao nguyên trắng.

Ở khắp vùng Đông - Tây Bắc, có hai ông "vua Mèo" nổi danh là Vương Chí Sình (Hà Giang) và Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), cả hai đều có những dinh cơ bề thế, hoành tráng, nhưng trong giới lữ hành khám phá, dinh thự vị vua họ Vương ở thung lũng Sà Phìn quen thuộc hơn.

Tọa lạc trên cung đường từ Bắc Hà vào Si Ma Cai, dinh thự Hoàng A Tưởng dễ khiến lữ khách bất ngờ ngay khi nhìn thấy nó, bởi thật khó để hình dung ở một nơi xa xôi lại xuất hiện công trình kiến trúc mang phong cách đậm dấu ấn Tây Âu, với độ bề thế vào bậc nhất toàn vùng Đông - Tây Bắc đến vậy.

Được mệnh danh là "vua Mèo" (vua của người Hmông) nhưng Hoàng A Tưởng là người Tày, hậu duệ của Hoàng Sín Dần - một tộc trưởng giàu mạnh đã định cư ở Bắc Hà từ hơn 200 năm trước. Với lợi thế về gia tộc, Hoàng A Tưởng cùng gia đình sở hữu những đồn điền thuốc phiện rộng lớn, độc quyền giao thương các mặt hàng nhu yếu phẩm, cùng sản vật địa phương với Pháp và sống trong vùng cư dân chiếm đến hơn 80% là người Hmông nên được xem là "vua" một cõi ở Bắc Hà.

Để phô trương thanh thế gia phong, vua Mèo Hoàng A Tưởng đã tạo nên công trình kiến trúc đặc biệt, ông thuê 2 kiến trúc sư Pháp và Trung Quốc thiết kế bản vẽ và giám sát thi công. Dinh thự là sự kết hợp giữa thuật phong thuỷ Á Đông trong cách chọn vị trí xây dựng và kiến trúc Tây Âu kiểu thuộc địa trong các chi tiết trang trí.

Công trình xây dựng năm 1914 và hoàn thiện 1921 với tổng thể rộng đến 10.000 mét vuông. So với các công trình bề thế khác của người miền cao thường sử dụng chất liệu gỗ là chủ đạo, dựng nhà sàn, riêng dinh thự Hoàng A Tưởng được thiết kế hoàn toàn bằng các vật liệu bền vững như xi măng, sắt thép... mang các công năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của Hoàng A Tưởng, gia đình và đội quân bảo vệ, để lại cho cả miền cao Tây Bắc hôm nay một di sản kiến trúc đáng để tìm hiểu và khám phá.

Cán Cấu đến hẹn lại lên
Dulichgo
Từ Bắc Hà, đi tiếp theo đường vào Si Ma Cai sẽ qua chợ phiên Cán Cấu, cung đường núi này càng thêm đẹp và thơ mộng nếu rong ruổi bằng xe máy. Những dằn xóc, ổ gà, những khúc cua hẹp đầy hiểm trở chỉ làm tăng thêm độ hấp dẫn cho hành trình xuyên qua miền phong cảnh với những thửa ruộng thang từ mùa nước đổ, đến khi vào vụ trổ vàng ươm rực núi đồi. Thăm thú chợ phiên Cán Cấu là dịp để chạm vào nguyên sơ của người bản địa, nơi những cô gái miền cao xúng xính váy áo, rộn niềm vui dồn nén cả tuần giờ mới có dịp bộc lộ.

Chợ họp ngay ven đường trong lòng chảo Cán Cấu, bên những thửa ruộng thang, xa xa là núi non trùng điệp, ranh giới của người bán và người mua gần như không khoảng cách, định hình một không gian văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của người Hmông Hoa, Dao, Giáy, Tày, Nùng... dễ nhận thông qua trang phục truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc về đồng bào thiểu số giữa núi rừng.
Dulichgo
Cung đường núi nơi chợ phiên Cán Cấu chia thành nhiều khu bày bán các mặt hàng thiết yếu, từ nông cụ, đồ gia dụng, đến các loại sản vật địa phương, gia súc, gia cầm, khu ăn uống với thắng cố, mèn mén, bún - cháo - phở... và hiển nhiên không thể thiếu hương rượu ngô thơm nức - một đặc sản miền cao, thật lý tưởng cho những ngày trời lạnh, đủ làm mềm môi kẻ lữ hành.

Hoạt động rôm rả với các phiên mua bán lớn ở chợ Cán Cấu là khu vực "triển lãm" hàng trăm con trâu ngay vạt đất đồi đầu chợ. Trâu khắp các vùng từ Bắc Hà, Si Ma Cai, Sín Mần, Mường Khương tụ về Cán Cấu, hình thành một chợ trâu hoành tráng nhất vùng Tây Bắc. Khách hội tụ ở khu chợ trâu đa phần là cánh đàn ông, gồm người mua, người bán, người xem, nghe các lái trâu bình phẩm về diện mạo, cách chọn trâu, xem tuổi trâu để chọn ra trâu ưng ý nhất cho các lần giao dịch. Trâu bán không trôi, đến trưa chủ lại lục tục dắt về, tuần sau lại theo trâu họp chợ.
Dulichgo
Nét bình dị của chợ phiên Cán Cấu luôn mang sức hấp dẫn thú vị cho người dạo chợ, riêng với lữ khách phương xa, dẫu đến một lần, vẫn mong ngày trở lại Cán Cấu để được chạm vào những nét nguyên sơ của chợ phiên miền cao khi chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng du lịch và đô thị hóa.

Theo Nguyễn Đình (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Kỳ thú đảo Mắt Rồng

(ĐĐK) - Trong hàng trăm hòn đảo của vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Mắt Rồng còn có tên gọi đảo Bái Đông là điểm đến đang khiến dân mê du lịch phát “sốt”. Điểm khác biệt của đảo Mắt Rồng chính là hồ nước xanh tuyệt đẹp lọt giữa dãy núi đá và cánh rừng nguyên sinh. Đây chính là “mắt rồng” của hòn đảo - nơi chứa hệ sinh thái tự nhiên đặc sắc nhất Vịnh Bắc Bộ.

Nếu bạn đang tìm một địa chỉ cho kỳ nghỉ hè này, đảo Mắt Rồng sẽ là một gợi ý hấp dẫn. Nằm ở rìa phía Nam Vịnh Hạ Long, Bái Đông là vùng biển đảo tiếp giáp với Bái Tử Long, cách bờ chừng 20 km. Ở đây có bãi tắm cát trắng tự nhiên, trải dài 300 - 400 mét và đặc biệt là có cảnh quan độc đáo của áng hình tròn tuyệt đẹp nằm giữa lòng núi. Cũng vì thế mà đảo Bái Đông còn được cư dân mạng thích thú và truyền tai nhau về hòn đảo Mắt Rồng kỳ thú này.

< Du khách ra đảo.

Một ngày cuối tuần, chúng tôi có mặt tại bến tàu Jumbo Đại Dương (cột 5, đường Cienco 5, TP. Hạ Long). Chiếc xuồng cao tốc rẽ sóng đưa khách hướng về Bái Đông nằm ở rìa phía nam vịnh Hạ Long, tiếp giáp Bái Tử Long. Người chủ tàu không giấu được vẻ lo lắng hỏi chúng tôi: Các bạn đã tìm hiểu kỹ trước khi tới du lịch Mắt Rồng hay chưa? Mà lại còn lưu lại đó vài ngày, không đơn giản đâu nhé. Bởi hòn đảo này chưa có sóng điện thoại, không nước ngọt, phải cắm trại để ngủ... Chừng một tiếng sau, con tàu đưa chúng tôi tới Mắt Rồng. Khung cảnh đẹp đến mức chúng tôi không còn nhớ đến những khó khăn mà người dân địa phương đã cảnh bảo.

< Đảo Mắt Rồng được chụp từ máy bay.
Dulichgo
Mắt Rồng có diện tích khoảng 30ha, còn giữ đến tuyệt đối vẻ hoang sơ nguyên thủy. Ấn tượng khi đến đảo Mắt Rồng chính là không gian xanh mướt ở đây. Đặt chân xuống đảo Mắt Rồng để cảm nhận được sự êm dịu của cát chạy qua kẽ chân và nước biển trong mát. Bãi cát thoai thoải, nước xanh ngắt với những con sóng êm đềm nối nhau vỗ bờ.

Chúng tôi hào hứng cắm trại dưới một tán cây phong ba xanh mướt rồi lập tức chèo thuyền kayak khám phá Mắt Rồng. Bên trong đảo không có đất, mà là một hồ nước tròn như miệng một chiếc giếng khổng lồ, đường kính chừng hơn 100 mét mà người ta gọi là Mắt Rồng.

< Mây trời và nước trong hồ như hòa làm một.

Hồ nước có thành đá cao vút dựng xung quanh. Trên vách đá, những tán cây xanh xõa xuống nước. Màu nước trong xanh như ngọc bích của áng nước làm nó nổi bật hơn hẳn so với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ khác nhau của vịnh Hạ Long. Mép hồ có những loài rong kỳ lạ, không thường thấy ở biển cũng như ở những vùng đầm lầy nước ngọt.

Hòn đảo này có lẽ hàng triệu năm trước là một đỉnh đá vôi trù phú. Mặt ngoài hòn đảo cơ bản không còn đất. Chất vôi trong đá cũng đã bị bào mòn, chỉ còn lõi đá đen cứng như thép với những mảnh sắc chồng lên nhau lớp lớp. Những loại cây còn tồn tại ở đây cũng cứng như thép, bám rễ sâu vào các khe nứt và cành lá đều se sắt lạ thường. Men theo chân đá là một bờ cát nhỏ, chỉ lộ ra khi triều xuống.

< Hệ sinh thái trong lòng hồ.
Dulichgo
Có một điều là bạn phải tự chuẩn bị bữa ăn khi tới Mắt Rồng, bởi ngay cả một quán hàng ở đây cũng chưa mọc lên. Chúng tôi được hòa mình với thiên nhiên mà không bị làm phiền như ở nhiều họn đảo đã bị thương mại hóa. Dưới tán cây xanh mát, du khách có thể mắc võng nằm để hưởng làn gió tinh khiết lách qua cánh núi, nghe tiếng chim rừng hòa ca, cảm giác thật khoan khoái. Đảo Mắt Rồng có rất nhiều chim, chúng ríu ran hót trong lùm cây. Quạ và diều hâu cũng bay lượn không ngừng nghỉ. Đặc biệt, bãi tắm như của riêng bạn, tuyệt đối tự do. Trong khi bơi, chúng tôi còn “khám phá” ra một hang đá còn rất hoang sơ. Khi thủy triều rút sẽ là một địa điểm tuyệt vời để nhâm nhi cà phê, thư giãn…

< Bãi biển vắng vẻ.

Tối đến, cả nhóm được thết đãi món ốc hấp gừng sả, mực nướng cùng rau xanh như xà lách, rau muống, rau thơm… được trồng ngay trên đảo. Tiếp đó là một bữa tiệc nho nhỏ với nến, cocktail và hoa quả. Anh Lê Xuân Thế, một trong những người gắn bó với đảo nhiều năm cho biết, hiện Mắt Rồng được quản lý bởi Công ty Lê Hoàng Trường Sa. Tới đây, sau khi được UBND tỉnh cấp phép hoạt động, sẽ có thêm nhiều dịch vụ du lịch được xây dựng trên đảo. Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện các thủ tục liên quan đến cấp phép tuyến du lịch, tour tham quan khám phá và các dịch vụ kèm theo tại Bái Đông. Nhiều khả năng sẽ đón khách trong hè năm nay. Các công trình phục vụ nhu cầu ăn nghỉ đã được chủ đầu tư tiến hành xây dựng nhưng vẫn chưa đưa vào khai thác.

Vậy là trong tương lai đảo Mắt rồng sẽ được khai thác du lịch sinh thái kết hợp với các hoạt động thể thao trên biển như chèo thuyền kayak, xuồng bay, thuyền phao, cắm trại dã ngoại, tiệc nướng ngoài trời… Khó khăn lớn nhất là nước ngọt phục vụ du khách. Có một điều đáng chú ý là những quy tắc cho du khách tới đảo khá chặt chẽ như: Vì đảo có diện tích nhỏ, không thể đón khách vượt quá 50 người/1 ngày để tránh tình trạng quá tải, làm phá vỡ cảnh quan, môi trường và phiền nhiễu cho khách. Và khi ra Mắt Rồng, du khách phải tự mang theo đồ ăn, nước uống và tự dọn dẹp vệ sinh khi ra về...
Dulichgo
Còn hiện nay dịch vụ trên đảo hầu như không, điều này sẽ được khắc phục trong thời gian sắp tới. Nhưng du khách cho rằng, chính sự hoang sơ, hoang dã và đôi chút thiếu thốn lại là sự thúc giục dân phượt lên đường khám phá hòn đảo được ví là hoang sơ nhất Vịnh Bắc Bộ này.

Theo Hồng Đậu (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!

Chuyến phiêu lưu trên đảo Mắt Rồng

Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2016 tại TP. Hồ Chí Minh

Từ ngày 1 - 9/6/2016, tại Công viên Du lịch Văn hóa Suối Tiên (120 Xa lộ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành phố và Công ty CP Du lịch Văn hóa Suối Tiên cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Trái cây Nam Bộ năm 2016.

Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm góp phần quảng bá đặc sản trái cây Việt Nam nói chung, khu vực Nam Bộ nói riêng đến du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo bằng trái cây, góp phần gìn giữ, phát triển bộ môn nghệ thuật tạo hình từ trái cây mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tham gia Lễ hội Trái cây Nam Bộ năm 2016, ngoài các doanh nghiệp thương mại chuyên chế biến các sản phẩm từ trái cây, nhà vườn, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương, còn có các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào...
Dulichgo
Lễ hội Trái cây Nam Bộ sẽ có các hoạt động chính được tổ chức như: chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, trình diễn bộ sưu tập trái cây trên áo dài của 20 thí sinh lọt vào Vòng chung kết Lễ hội áo dài TP. Hồ Chí Minh năm 2016 với chủ đề “Hương Việt Nam”, diễu hành thời trang trái cây; lễ hội carnival trái cây với tên gọi “Bách quả tứ quý Thần tiên Hội”, Hội thi trái ngon – an toàn Nam Bộ lần thứ 8, chương trình biểu diễn pha chế đồ uống từ các loại trái cây...

Ngoài ra, đến hết tháng 8/2016, trong lễ hội lần này còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Chợ trái cây và các sản phẩm làng nghề (diễn ra từ 28/5 - 30/8), chương trình Giới thiệu về văn hóa ẩm thực (1/6 - 30/8), Trưng bày sinh vật cảnh (1 - 9/6), Trò chơi “Hái lộc thần tiên” (1/6 - 30/8), cuộc thi “Kỷ lục gia ăn dưa hấu đỏ” (29/5 – 9/6/2016), Hát với nhau chủ đề “Quê hương bốn mùa tươi đẹp” (29/5 đến 9/6), chương trình “Tuần lễ trái cây Việt Nam” (1 - 7/6), Hội thi nghệ thuật tạo hình trái cây (6 - 9/6)...

Cùng với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, các trò chơi dân gian (vẽ tranh, nhảy bao bố, qua cầu khỉ...) cũng được tổ chức nhằm tạo thêm nét hấp dẫn cho lễ hội.
Dulichgo
Các hoạt động nổi bật diễn ra trong lễ hội lần này gồm: “Chợ nổi trái cây và các sản phẩm làng nghề” (từ ngày 28-5 đến 30-8), trưng bày “Bộ sưu tập trái cây lạ, hiếm và củ quả khổng lồ” (bí ngô nặng 100 kg, bí đao 50 kg, dừa bị 10 kg, dưa lưới 8 kg, chanh yên 7 kg…), hội thi “Trái ngon - an toàn Nam Bộ lần thứ 8” (ngày 1-6), hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” (công bố trao giải vào ngày 9-6, nhằm dịp Tết Đoan ngọ), giới thiệu món ngon chế biến từ trái cây, diễu hành “Trái cây khổng lồ”, chương trình biểu diễn pha chế thức uống các loại trái cây, chương trình “Tuần lễ trái cây Việt Nam” (từ ngày 1 đến 7-6).

Ngoài ra, lễ hội còn có chương trình hỗ trợ nông dân miền Tây Nam Bộ gặp hạn hán, xâm nhập mặn; cuộc thi “Ăn dưa hấu thần tốc”; thi hát “Quê hương bốn mùa tươi đẹp” cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nước và quốc tế (Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào…).

Theo TITC, NLĐ...
Du lịch, GO!

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Khám phá hòn Bờ Đập

(TTO) - Trong một lần lang thang ở Ba Hòn Đầm (quần đảo Bà Lụa, Kiên Giang), tôi được chú Hền lái tàu giới thiệu hòn Bờ Đập, nơi theo lời chú là biển êm, sạch, cát trắng trải dài và còn hết sức hoang sơ. Từ lúc đó, ba chữ Hòn Bờ Đập cứ vang vang trong đầu... để rồi cuối cùng nhóm năm người chúng tôi cũng đặt chân lên đảo.

< Một góc hòn Hai Bờ Đập và con đường đá nối liền 2 đảo.

Hòn Bờ Đập là một hòn thuộc quần đảo Bà Lụa của tỉnh Kiên Giang, nơi được biết đến như 'Hạ Long phương Nam'. Sở dĩ có tên Bờ Đập bởi đảo gồm một hòn lớn và một hòn nhỏ được nối liền bằng một con đường sỏi đá, như một bờ đập cắt ngang biển cả mênh mông.

< Toàn cảnh hòn Bờ Đập.

Đón tiếp nhóm là anh Tính, con trai của bà Hai - chúa đảo. Anh nhiệt tình dẫn nhóm tham quan khắp hòn Bờ Đập, giới thiệu những cảnh đẹp ngất ngây trên đảo.
Dulichgo
Là gia đình duy nhất sinh sống trên hòn Bờ Đập và cả gia đình đã hơn 20 năm gắn bó với nơi này, hiện tại bà Hai sống với hai người con nơi đây. Các người con còn lại, một số đã lập gia đình và một số đi biển khá lâu mới về.

< Cầu tàu trên đảo.

Sau khi chụp hình vòng quanh đảo, cả nhóm quyết định ăn trưa tại hòn Bờ Đập. Điều đặc biệt nơi đây là tất cả hải sản đều tươi sống, bơi lội tung tăng trong bè ngay bờ biển. Mọi người cứ thoải mái lựa chọn và bà chúa đảo sẽ chế biến phục vụ.

Bên những đĩa cua ốc thơm lừng, chúng tôi còn được anh Tính ưu ái mời dùng thử rượu dứa gai ngon tuyệt vời do anh tự ngâm. Sau khi chuyền tay những ly rượu ngọt ngọt cay cay ấm nồng và sự nhiệt tình thân thiện của gia đình chúa đảo, khoảng cách giữa khách và chủ cũng sát lại gần hơn.

< Chiếc chòi nghỉ dựng ngay bờ biển với những chiếc võng nằm thư giãn.

Sau đó là đến tiết mục giao lưu văn nghệ, cả gia đình chúa đảo là những cây văn nghệ bậc thầy. Bà Hai và con gái có những câu ca cổ ngọt như đường, còn anh Tính có những bài hát trữ tình cũng ngọt ngào không kém.
Dulichgo
Sau bữa trưa, anh Tính rủ nhóm chúng tôi đi lặn bắt nhum, ngắm san hô, mò cua bắt ốc theo "tiêu chí" bắt được là... ăn, không phải trả tiền.

< Bà Hai chúa đảo (bìa phải) và anh Tính (áo xanh sọc trắng).

Nguồn hải sản nơi đây còn vô cùng phong phú, chỉ cần bơi ra xa một chút là bạn sẽ choáng ngợp trước cảnh tượng cả họ nhà nhum nằm dày đặc dưới đáy biển, hàu thì bám đầy trên các bãi đá. Chỉ bỏ công lặn một chút là có thể có bữa đại tiệc hải sản.

< Ốc giác còn tươi sống.

Ai không biết bơi có thể tắm biển trên bãi cát trắng cạnh bờ đập. Biển ở đây khá nông, dù bơi ra thật xa nhưng nước chỉ mới tới ngang vai. Đúng như lời anh Hền nói, biển sạch, êm và trong vắt khiến ai cũng không muốn bước lên bờ.
Dulichgo
Anh Tính nói nếu nhóm chúng tôi ở lại đêm, anh sẽ mời “món” câu mực đêm, câu cá đêm, làm một hành trình trên biển khám phá toàn bộ hòn Bờ Đập. Nhưng tiếc do lịch trình đã kín nên cả nhóm phải thu xếp đi ngay.

< Nhum biển.

Anh Hền nói vậy cũng hay, lần sau nhóm quay lại anh sẽ thu xếp việc nhà ở trên đảo với chúng tôi hai, ba ngày cũng được.

Khi chúng tôi về, anh Tính ra tận cầu tàu để đưa tiễn. Mặc dù tàu đã đi thật xa nhưng anh vẫn đứng trên tàu vẫy tay chào...

< Bình minh trên hòn Bờ Đập.

Thông tin cho bạn:

Phương tiện di chuyển từ TP. HCM đến Hòn Bờ Đập:

- Từ TP.HCM để đi đến quần đảo Bà Lụa các bạn có thể đón xe đi Hà Tiên rồi xin xuống ở ngã ba Ba Hòn.

- Từ Ba Hòn có thể đi tàu khách ra hòn Heo với giá 30.000 đồng, rồi từ hòn Heo thuê tàu cá của ngư dân để ra hòn Bờ Đập. Hoặc có thể thuê tàu từ cảng Ba Hòn hoặc cảng Hòn Chông để ra thẳng hòn Bờ Đập.
Dulichgo
Tại cảng Ba Hòn và cảng Hòn Chông có cả tàu cao tốc và tàu cá.
- Có thể liên hệ chú Hền đón ở hòn Heo hoặc đón từ cảng Ba Hòn và cảng hòn Chông.

< Hoàng hôn trên Hòn Bờ Đập.

Ăn uống:

Trên hòn Bờ Đập có đầy đủ các loại hải sản tươi sống để chúng ta lựa chọn. Có thể báo trước cho anh Tính, con trai chúa đảo, để đặt trước.

Ngủ nghỉ:

Hiện tại trên hòn chưa có dịch vụ phòng nghỉ nên tốt nhất nên mang theo lều để ở lại qua đêm.

Vui chơi giải trí:

Tắm biển, lặn bắt nhum, ngắm san hô, câu mực, câu cá…

Theo V.Điền (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!