(DTO) - Theo lời hẹn của vài người bạn, chúng tôi lên xã Hồng Hạ thuộc huyện A Lưới vào một sáng trời đầy sương. Chúng tôi đến đây cũng bởi một huyền thoại của đồng bào Cơ Tu sống bên sông Ưng Hoong, huyền thoại về một cột đá thiêng kỳ lạ nơi đầu nguồn sông Bồ và giữa núi rừng thăm thẳm.
Chính xác thì Cột đá thiêng A Zoi thuộc thôn Pa Ring, xã Hồng Hạ, cách trung tâm thị trấn A Lưới 22 km, cách thành phố Huế khoảng 45 km đi theo QL 49. Suốt đường đi, từng vạt sương trắng lạnh như mang theo hơi thở của núi rừng cứ thổi vào mặt chúng tôi cái miên man mù xanh mênh mông hai bên đường và cả ở phía trước. Những đoạn đường đèo dốc cứ hoài vây lấy bao cảm giác chông chênh cứ trải ra như một niềm thao thức.
Đến bến, lên thuyền cùng với những người bạn ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, chúng tôi men theo dòng nước xanh thẳm bắt đầu từ chân cầu Tà Lương bằng đò máy để đi theo cái ngút ngàn của gió, của cây rừng và cái mơn man của những cơn sóng nhẹ để ngược nguồn sông Bồ đến với Cột đá thiêng.
Càng đi vào sâu, con sông càng có những đoạn uốn quanh mềm mại, cộng với làn gió mát rượi thổi vi vu suốt thân thuyền, chúng cứ ngỡ đang từ từ lạc vào nơi nào đó thẳm sâu của trí nhớ, của những huyền thoại đang dần dần hé mở. Con sông như một nỗi si mê chất ngất uốn theo từng cái nhìn óng ánh biếc lên của rừng, của những triền dốc thoai thoải bình yên đến lạ kỳ. Nó như xóa tan ký ức về sự hung dữ của nó trong cơn đại hồng thủy năm nào từng đục ngầu từng ngùn ngụt dâng cao cuốn phăng đi cả cây cầu Tà Lương vốn là con đường huyết mạch nối liền miền ngược với miền xuôi.
Rồi chúng tôi cũng đến một ngã tư sông bàng bạc. Và nơi đây, bãi đất đang được “trấn giữ” bởi Cột đá thiêng rồi cũng dần hiện ra. Nhìn dòng nước thăm thẳm của dòng Ưng Hoong cũng biết ngay là nước ở đây rất sâu và hiểm trở. Ngã tư sông này ngày xưa vốn là nơi giao lưu buôn bán trao đổi hàng hóa giữa đồng bào miền ngược và đồng bào miền xuôi. Người miền xuôi đêm nồi, niêu, xoong, chảo, muối, gạo lên trao đổi với hàng hóa là mật ong, thịt thú rừng…của người miền ngược. Còn cột đá thiêng thì nằm trên một mỏm đất cao nhô ra mé sông. Năm 1968, đã có không biết bao nhiêu tấn gạo đã được vận chuyển bằng bè ngay trên chính dòng sông này để kịp thời chi viện cho chiến trường khốc liệt dưới xuôi. Dulichgo
Theo quan sát của chúng tôi, Cột đá thiêng A Zoi là một một khối đá hình trụ màu rêu cao khoảng chừng 2 mét được đẽo gọt công phu. Chung quanh cột được chạm khắc các đường chỉ và hoa văn tinh xảo. Theo thời gian, một số hoa văn đã bị bào mòn nhưng vẫn thể hiện được sự khéo tay của người xưa.
Tương truyền, thời xa xưa, có một người thanh niên miền ngược tên là Zoi, sống một mình không người thân thích. Anh sống bằng nghề câu cá và hay ra ngồi ở mỏm đất đầu sông này. Anh lại có tài đẽo khắc đá nên đi đâu cũng thấy anh ngồi gọt, giũa và mài, khắc hòn đá đó theo nhiều hình hoa văn khác nhau rất đẹp. Ngã tư sông là nơi có địa hình hiểm trở và cũng là con đường giao thương buôn bán, nhưng thuyền của người miền xuôi lên không hiểu sao thường hay bị mắc kẹt ở các tảng đá giữa dòng sông. Một hôm, khi những chiếc thuyền của mình bị mắc kẹt giữa dòng, nhóm người miền xuôi phát hiện thấy Zoi đang ngồi đẽo gọt đá trên mỏm sông, bèn nhờ anh chỉ giúp đường thoát khỏi nguy hiểm. Trước khi anh giúp, họ sửa soạn ba mâm cơm, rượu, thịt như anh yêu cầu. Sau đó, nhờ phép lạ của Zoi, con nước dâng lên và những con thuyền thoát khỏi nguy hiểm.
Sau khi Zoi chết đi, có một số người dân thương anh đã chôn anh ở nơi mà ngày ngày anh vẫn ngồi gọt đá. Ngay tại mộ anh người ta dựng hòn đá mà anh đã gọt, đã mài được gọi là Cột đá thiêng A Zoi, hay theo cách gọi của người dân bản địa là Timozoi. Sau này mỗi lần lên khu vực đó đánh bắt cá, hay đi làm gỗ, hoặc tới ngày giỗ của Zoi người ta vẫn thường thắp hương và cúng vái tại đó. Tương truyền, những ai đặt bàn tay mình lên Cột đá thiêng A Zoi và nguyện cầu, sẽ gặp được nhiều may mắn, an lành, hạnh phúc…
Dulichgo
Còn anh Hồ Viết Lương, Chủ tịch xã Hồng Hạ, thì cho chúng tôi biết: xung quanh Cột đã thiêng này cũng có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng trong quá trình tìm hiểu từ các cụ cao niên nhất ở các làng thì nói chung nội dung tương đối giống nhau. Đó là câu chuyện về một anh chàng miền ngược tên là Zoi, thân hình cao to vạm vỡ, người thì đóng khố, trên lưng luôn đeo gùi, sau gùi là một hòn đá to, to bằng con người chàng, trên tay luôn cầm cần câu, sống chỉ một mình, không có cha mẹ, anh em hay vợ con gì cả.
Zoi chỉ sống ven suối ở khu vực A-Nụ, công việc của chàng thường ngày chỉ câu cá và gùi theo sau lưng một hòn đá to mà một người bình thường không thể nào nhấc nổi. Chàng đi tới đâu thì hòn đá và cần câu đi theo tới đó, khi cắm câu xong, chàng lại ngồi gọt, giũa và mài, khắc hòn đá đó theo nhiều hình hoa văn khác nhau.
Một hôm, có một nhóm người ở dưới đồng bằng lên rừng hái mây. Khi họ lùa mây theo dòng suối để cho chúng trôi theo dòng nước về dưới xuôi, thì những bó mây đó bị mắc kẹt ở các tảng đá giữa dòng suối. Ở khu vực này địa hình rất hiểm trở, Họ làm thế nào cũng không thể nào gỡ chúng ra được. Vừa lúc đó họ nhìn sang bờ suối thì thấy Zoi đang ngồi cắm câu và ngỏ ý muốn được chàng giúp họ gỡ chỗ mây bị kẹt kia. Theo yêu cầu của Zoi, những người miền xuôi chuẩn bị chàng ba mâm cơm, thịt, rượu bày. Sau khi làm lễ cúng xong, chàng ăn sạch tất cả các mâm khiến cho những người kia há hốc miệng vì sợ. Hôm sau, khi mọi người tập trung lại đông đủ, Zoi làm động tác chổng mông đánh rắm, một tiếng nổ to vang trời. Các tảng đá ở giữa dòng sông nổ bùm và bắn đi tung tóe khắp nơi, dòng nước đã được thông, những bó mây của những người đồng bằng nhanh chóng trôi theo dòng sông.
Sau khi Zoi chết đi, có một số người dân đã chôn chàng ở nơi mà ngày ngày chàng vẫn ngồi gọt đá. Ngay tại mộ chàng người ta dựng hòn đá mà chàng đã gọt, đã mài được gọi là Cột đá thiêng A Zoi, hay theo cách gọi của người dân bản địa là Timozoi. Sau này mỗi lần lên khu vực đó đánh bắt cá, hay đi làm gỗ, hoặc tới ngày giỗ của Zoi người ta vẫn thường thắp hương và cúng vái tại đó. Tương truyền, những ai đặt bàn tay mình lên Cột đá thiêng A Zoi và nguyện cầu, sẽ gặp được nhiều may mắn, an lành, hạnh phúc… Trước đây, phía hai bên của Cột đã thiêng còn có 2 cái niêu đồng to để chứa gạo và muối. Có một người dân lấy trộm đem 2 cái niêu về dùng ngay lập tức người trong nhà bị ốm đau liên tục. Bên ngoài làng đêm đêm lại có một con cọp về nhìn chằm chằm vào hướng nhà họ, mắt sáng rực. Họ sợ quá nên phải đem trả lại. Hiện nay, 2 cái niêu vẫn chưa được tìm thấy.
Dulichgo
Cột đá thiêng đã được bà con dân chài ở thị xã Hương Trà trong khi đánh cá trên sông tình cờ phát hiện và vớt lên. Và khi dựng lại cột đá như vị trí hiện nay, xã cũng đã làm một lễ cúng theo đúng phong tục của đồng bào miền núi với một con heo hơn 50 kg và sự chứng kiến của tất cả các cụ cao niên nhất làng, xin linh hồn A Zoi cho mọi người từ nay hằng năm được đến thăm và thắp hương. Đồng bào cũng coi đó là một vật linh thiêng che chở cho bà con.
Anh Lương cũng cho chúng tôi biết thêm, câu chuyện về Zoi thực ra còn rất dài. Chẳng hạn như chuyện Zoi được Đức vua mời về cung như thế nào, chuyện thách đấu giữa Đức vua và Zoi ra sao hay chuyện về cái chết của Zoi. Các cụ cao niên ở các làng kể câu chuyện này mất đến cả buổi. Các cụ còn bảo phía trên đỉnh ngọn đồi ngày xưa còn có một giếng nước nằm giữa các tảng đá và gọi đó là giếng thần bởi vì nước trong giếng tuy không cao nhưng quanh năm trong vắt và mát rượi. Xã cũng đã cho người đi khảo sát nhưng vẫn chưa phát hiện ra. Về Cột đá thiêng, chúng tôi phát hiện ở Cột đá một số hoa văn có sự tương đồng đến kỳ lạ với những hoa văn trên một số cổ vật mà người ta đã phát hiện được của người Chăm. Phải chăng từ nhiều đời trước đồng bào miền ngược A Lưới tại ngã tư sông giao thương này đã có sự giao lưu với người Chăm xưa?
Chúng tôi trở về khi trời đã quá trưa. Nắng của một ngày tháng tư rất gắt nhưng cũng không làm vơi đi được cái bãng lãng đầy mộng mơ của một miền đất lung linh huyền thoại. Ở nơi đây, nơi đầu nguồn sông Bồ, chúng tôi như đã được sống trong những vẻ đẹp của núi rừng, vẻ đẹp của một nền văn hóa bản địa, rất nguyên sơ mà cũng đầy lung linh huyền thoại.
Theo Lê Tấn Quỳnh (Dân Trí)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét