Chỗ dựa tinh thần của ngư dân
Trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi thờ bà Thủy Long, dinh thờ thường nằm sát mép sông, bờ biển. Việc thờ phụng thường do những người làm nghề chài lưới, khai thác hải sản trên sông, biển thực hiện. Dinh bà Thủy Long ở Lý Sơn cũng vậy. Tại An Hải có 4 xóm với 4 đội thuyền đua Long, Lân, Quy, Phụng, trong đó ghe Lân thuộc xóm Trung Hòa (thờ bà Thủy Long).
Hằng năm, vào ngày mồng 4 Tết, nhân dân 4 xóm tập trung tại Đình làng An Hải- di tích tổ chức lễ cúng động thổ, xong mới về tổ chức cúng tại lân (xóm) của mình và sau đó tổ chức lễ hội đua ghe tứ linh.

Dulichgo
Dinh bà Thủy Long do xóm Trung Hòa phụng sự tế lễ cùng với vạn An Phú. Hằng năm, việc tế lễ tại dinh bà diễn ra theo xuân thu nhị kỳ và ngày lễ tết thì từ mùng Một đến mùng Bảy tháng Giêng. Vào ngày tế lễ chính trong ngày “vía Bà” có hai lễ chính: Lễ nhập yết và lễ tế chính. Lễ nhập yết thường được tổ chức vào đầu giờ đêm ngày hôm trước, trong lễ nhập yết có lễ tỉnh sinh - tế cáo các thần linh để dâng vật phẩm cúng: Heo, gà, trầu, rượu... Còn lễ tế chính diễn ra vào sáng sớm ngày hôm sau. Đoàn tế gồm một vị chủ tế (chủ vạn hoặc chủ xóm), cùng các phụ tế là những người của vạn An Phú hoặc xóm Trung Hòa.

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Dinh bà Thủy Long có kiến trúc hình chữ Nhị, bao gồm nhà tiền tế và nhà hậu cung. Dinh nhìn về hướng nam và quay mặt ra Biển Đông. Bao quanh khuôn viên dinh là bờ la thành thấp. Trước dinh là hai trụ biểu, bình phong, hai bên là hai con lân chầu vào nhau. Bình phong đắp nổi tiền hổ hậu long (long mã). Nóc dinh bờ giải trang trí lưỡng long tranh châu đắp nổi; hai bên bờ giải đắp nổi trang trí phượng vũ. Hai đầu hồi nhà hậu cung đắp nổi long phù trông rất sinh động.

Dulichgo
Bên trong khám thờ có thần vị bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm khắc chữ Hán. Đây là thần vị của bà Thủy Long, với nội dung: Phụng thỉnh Chủ Thủy long Thánh phi tôn thần chi vị. Phía trước khám thờ là bàn lễ và hương án; hai bên thì tả ban thờ thành hoàng bổn cảnh, hữu ban thờ tiền hiền. Gian thờ thần vị chính giữa có hai liễn đối: Thủy đức khuông phù, ngư dân lạc nghiệp/ Long hưng bảo trợ, phú thứ bình an...
Dinh bà Thủy Long được xây dựng từ lâu đời, nhưng vẫn còn giữ nguyên kiến trúc xưa của nhà hậu cung. Dinh có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân chúng trong vùng. Vì thế, hết đời này đến đời khác người dân ở đây đã tự nguyện góp tiền của, công sức để xây dựng, trùng tu dinh bà với tấm lòng tôn kính. Đặc biệt mới đây, Dinh bà Thủy Long đã được UBND tỉnh quyết định công nhận di tích cấp tỉnh (thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật).
Theo Phạm Danh (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét