Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Đình Thạch Nham - Đà Nẵng

Đình Thạch Nham toạ lạc tại xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang.
Làng Thạch Nham hiện nay bao gồm hai thôn Thạch Nam Đông và Thạch Nham Tây trải dài theo hướng Đông-Tây. Đông giáp phường Hoà Thọ Tây (thuộc quận Cẩm Lệ), hai mặt tây,bắc giáp các làng Phước Thái, Phước Thuận (đều thuộc xã Hoà Nhơn). Còn phía nam được ngăn cách với làng Tuý Loan (xá Hoà Phong) bởi con sông Tuý Loan.

Thạch Nham được các lưu dân đến khai phá sớm so với một số làng của xã Hoà Nhơn, qua gia phả của các dòng họ như: Trần, Lê, Nguyễn có thể khẳng định làng Thạch Nham được hình thành muộn nhất từ nửa sau thế kỷ XVI

Càng về sau, Thạch Nham luôn được nhiều lớp lưu dân người Việt chọ điẻm dừng chân để an cư lạc nghiệp. Chính vì thế, từ chỗ ban đầu chỉ vài ba tộc họ thì nay Thạch Nham đã có hơn 30 tộc họ cùng quần tụ sinh sống. Dân làng tiến hành chọn đất cất dựng đình làng phụng sự uy linh.
Dulichgo
Đình ban đầu được xây dựng bằng tranh tre, sau di chuyển đến tả ngạn sông Tuý Loan (đoạn gần với vị trí Cầu Giăng hiện nay) và thay thế bằng ngôi đình bề thế có kiến trúc nhà rường truyền thống, khung nhà được sử dụng hoàn toàn bằng gỗ mít và kiền kiền. Hiện nay ở đình còn lưu lại một bia đá ghi công  của các bậc hương lão và nhân dân đóng góp xây dựng đình.

Để tương xứng với toà đại điện ba gian hai chái, năm 1934 dân làng Thạch Nham chung công góp của xây dựng hệ thống tường bao khuôn viên đình và cổng tam quan. Trong lần tôn tạo này, đình nhận được nhiều lễ vật phụng cúng của con dân địa phương, trong đó có đôi liễn của của các hương chức tộc Nguyễn đến nay vẫn được treo ở đình.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình là nơi thường diễn ra các cuộc họp quan trọng của chi bộ Đảng địa phương, đề ra chủ trương đánh địch, đình là nơi ẩn nấu, dừng chân của các đơn vị bộ đội địa phương trong tác chién đánh địch

Đình Thạch Nham toạ lạc trên một thế đất cao, mặt nhìn ra cánh đồng lúa thấp trũng ở phía tây. Hai bên tả hữu được bao bọc và che chắn bởi con sông Tuý Loan ở phía nam và ngọn núi Gò Nhọn ở phía bắc. Được bố trí theo nguyên tắc đơn tuyến, các cổng ngõ, bình phong đến đại đình đều nằm trên trục dũng đạo tạo cho đình sự đăng đối và do vậy, càng thêm vẻ tôn nghiêm.

Kiến trúc chính của đình theo dạng chữ “Nhất”, tức chỉ có một toà đại đình là không gian chính của việc thờ cúng và tế tự. Đại đình là một ngôi nhà ba gian hai chái đơn, với bốn bộ vì kèo, mỗi vì có năm hàng cột. Tổng cộng có 28 cột, gồm tám cột nhất, tám cột nhì, bốn cột ba tiền, bốn cột ba đấm và bốn cột quyết. Tất cả đều được đứng trên đá táng.
Dulichgo
Mái đình lợp ngói âm dương trên hệ thống rui mè, đòn tay bằng gỗ. Trên nóc mái cũng như các gờ nóc, đầu đao của đình đều được gắn trang trí các linh vật long, phụng. Tất cả đều được áp dụng kỹ thuật khảm sành một cách tinh tế, điêu luyện .

Trong đại điện được thiết kế năm bàn thờ chính thờ các vị thần. Phiá trước bàn thờ gian giữa được xây một hương án bằng vật liệu xi măng. Mặt trước hương án được chia nhỏ thành các ô hộc trang trí tứ linh, tứ quý bằng nghệ thuật bằng kỹ thuật nề vôi vữa.

Đặc biệt, trên hai cột nhất hậu của gian giữa có đôi liễn do nguyên Phó tổng cửu phẩm Nguyễn Bính, Đoàn trưởng Nguyễn Điện, Hương bộ Nguyễn Tửu Phụng cúng vào năm Bảo Đại thứ 10 ( 1934 ), đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Bước ra khỏi đại đình là là khoảng sân đất rộng rãi. Ra xa, án ngữ trên đường chính đạo là bức bình phong được xây gạch vữa xi măng, tạo các đường nét theo mô thức cuốn thư. Mặt trong bình phong trang trí phù điêu long mã, mặt ngoài là phù điêu tùng lộc được khảm sành sứ.
Dulichgo
Ngoài cùng là cổng đình làm theo lối tam quan. Tam quan bao gồm cổng chính nằm ngay trên trục dũng đạo, hai cổng tả, hữu đối xứng nhau qua cổng chính. Mặt trước cửa tam quan có biển đề tên đình. Trong khuôn viên đình còn có các công trình là miếu xóm, nhà trù và nhà thờ tiền hiền làng.

Hiện nay, đình còn lưu giữ một bia đá, có kích thước: chièu cao 93cm, rộng 60cm, dày 15cm, trong đó lòng bia có kích thước (42cm x 74cm). Phần bệ cao 19cm, rộng 48cm và dài 68cm. Trán và diềm bia trang trí “lưỡng long triều nguyệt” và hoa văn dây lá, nội dung bia viết bằng chữ Hán.

Hằng năm, dân làng Thạch Nham đều tổ chức cúng tế thần tại đình làng vào các kỳ Xuân, Thu, lễ tiết. Đặc biệt quan trọng là đại lễ diễn ra vào hai ngày 14 và 15 táng 3 âm lịch. Đình làng Thạch Nham được công nhận là di tích Lịch sử- Văn hoá cấp thành phố vào năm 2007.

Theo Cổng TTĐT TPĐN
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét