Chỉ nghe hai tiếng "tắm cồn" thôi đã đủ nôn nao với bao kỷ niệm. Sinh ra ở miền sông nước Tây Nam bộ, tắm cồn là một trong những ký ức tuổi thơ của nhiều người. Bởi thế, dịp Tết Đoan ngọ dù bận mấy, nhiều người vẫn ráo riết thu xếp về quê, chỉ để ăn bánh xèo và tắm cồn khi con nước quay từ đục ngầu phù sa trở nên trong vắt như nước biển.
Cồn thường nổi lên giữa những con sông lớn như Sông Tiền, Sông Hậu. Có những cồn lớn, hình thành từ lâu đời, tạo nên những làng xã, hoặc cả một huyện lỵ. Cũng có nhiều cồn mới nổi, chừng hơn 10 năm hoặc trong vòng một vài năm trở lại đây do sự thay đổi lòng sông, dòng chảy…
Tắm cồn, thường là chọn những cồn mới nổi vì trống trải và có những bãi cát mịn màng. Gần đây, con nước quay không còn đúng dịp Tết Đoan ngọ (Mùng 5 Tháng 5 âm lịch) nữa mà thỉnh thoảng lệch một vài ngày. Đặc biệt năm nay do nguồn nước từ thượng nguồn về ít, sông Mekong không còn chở nặng phù sa nên khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, nước trên những con sông Cái đã trong vắt. Bờ cát trên cồn cũng mịn màng, ít sình lầy.
Ngược dòng con sông Tiền lên gần thượng nguồn, có nhiều cồn mới nổi ở các xã Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Sương (thị xã Tân Châu, An Giang). Theo người dân địa phương, vị trí các cồn này khi xưa là đất liền. Do tình trạng sạt lở bờ sông, có những nơi sông lấn vào đất liền gần cả cây số. Từ đó, phía hạ nguồn cách vị trí sạt lở chừng vài trăm mét đến vài cây số hình thành nên những cồn lớn dần chạy dài cả cây số hơn. Kể từ sau Tết Nguyên đán, hầu như mỗi cuối tuần, du khách đều đổ về các cồn để tắm cồn và thưởng thức những đặc sản miệt vườn sông nước. Từng tốp đi chừng vài chục người trở lên, mang theo đồ dùng làm bếp, thực phẩm, nước giải khát… đến cồn để trở về với "dòng sông tuổi thơ", đắm mình trong dòng nước mát lành ở phía đuôi cồn. Cồn được bồi lấp tự nhiên nên bãi thoai thoải ra rất xa. Khi nước ròng, có khi đuôi cồn chạy dài vài trăm mét mà nước cũng chỉ tới thắt lưng. Rất an toàn.
Dulichgo
Ra cồn, công việc được phân chia cho tất cả mọi người. Người thì lo nướng ốc, nướng cá, chiên chuột đồng. Người lên rẫy trên cồn hỏi mua củ sắn, bắp, mía… làm món tráng miệng. Thú vị nhất là xuống bãi mò lía (một dạng gần giống con hến nước ngọt), ốc gạo. Nếu gặp đống chà, có thể bắt được tôm, cá. Thỉnh thoảng có các xuồng câu, ghe lưới ngang qua, gọi vào mua với giá rất mềm mà cá thì tươi xanh. Trên cồn, có nhiều cây điên điển khô tới tận rễ, dùng làm than đốt để nướng cá.
Rễ điên điển tạo than rất nhanh, nướng cá ngon và thơm hơn nướng than hoặc trui rơm. Có lẽ, món này chỉ ra cồn mới có vì nguồn cây điên điển khô không dễ tìm ở chỗ khác. Tất cả quây quần bên nhau mỗi người một tay, không khí càng sinh động và bữa ăn thêm ấm cúng, ngon miệng. Tuyệt vời nhất là được trở về với tuổi thơ trên đồng, ở miền quê thanh bình với những món ăn, thú vui bình dân mà không dễ gì tìm được trong cuộc sống bộn bề ngày nay.
Thời điểm này, nước cồn xanh biếc không thua gì nước biển. Mỗi khi những chuyến tàu hàng, ca nô chở khách Tây du ngoạn chạy ngang tạo những con sóng lớn ào ạt vào bờ, tạo cho du khách cảm giác như đang tắm các bãi biển ở miền Trung. Các bãi bồi thường có cát rất mịn màng. Gần bờ, luôn có một lớp phù sa dày, đi rất êm chân. Ra khỏi bờ chừng vài mét, cát sạch sẽ dưới chân, nước trong vắt có thể nhìn sâu tận đáy. Du khách, nhất là khách nước ngoài, rất thích tắm phù sa trên cồn dọc các con sông lớn vì có nhiều khoáng chất tự nhiên tốt cho da và sức khỏe. Hội Nông dân của tỉnh An Giang còn tổ chức những tour tắm cồn, mò tôm bắt cá cho du khách nước ngoài, tạo một sản phẩm riêng có cho địa phương, khác với các tour sông nước miệt vườn ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
Ở miền Tây từ bao đời nay, tắm cồn như một lễ hội thường niên mà bất cứ tỉnh nào cũng có. Đúng ngày Mùng 5 Tháng 5, các vườn trái cây mở cửa đón du khách. Vườn trên cồn luôn thu hút khách đông hơn. Có vườn chỉ duy nhất mở cửa ngày này trong năm. Các cồn chật nêm người đi tắm, chẳng phân biệt người lớn hay trẻ con, nam hay nữ. Xe cộ lũ lượt đổ về đậu kín trên bờ. Ghe, xuồng xuôi ngược xôn xao các bãi cồn mới nổi. Với nhiều người, tắm cồn như tái hiện lại ký ức, như một chuyến đi mang mình trở về với tuổi thơ.
An toàn khi tắm cồn
Tắm cồn ngày Tết Đoan ngọ là một hoạt động gắn với dân gian Nam bộ nhưng một vài địa phương vẫn cấm tắm ở một số địa điểm do không an toàn. Nhất là tình trạng ăn nhậu rồi gây sự, ẩu đả. Vì vậy, khi tham gia tắm cồn vào dịp này, du khách cần cẩn trọng và tránh xa những đám đông nhậu nhẹt ồn ào; đồng thời phải nhường nhịn nhau khi lỡ có những va chạm… Nếu có thể, du khách nên né ngày cao điểm này, dời lịch tắm cồn vào dịp cuối tuần để gia đình, bè bạn có thời gian thư giãn thoải mái nhất.
Dulichgo
Do môi trường sống ngày nay ít gắn với sông nước nên rất nhiều người không biết bơi. Tắm cồn an toàn nhưng cũng không loại trừ những nguy hiểm do hụt chân khi đi xa bờ. Vì vậy, nên tổ chức thành nhóm, trong đoàn có nhiều người biết bơi để ứng cứu khi cần thiết. Khi di chuyển ghe, xuồng ra cồn, tất cả đều phải có áo phao. Nếu cẩn thận, mọi người nên mặc áo phao khi tắm, nhất là trẻ em, dù biết bơi.
Những dịp này không tránh khỏi tình trạng uống nhiều rượu, bia. Đã say xỉn thì hạn chế tắm sông, nhất là khi trời có mưa hoặc về chiều. Tốt nhất là tắm cồn xong mới ăn uống và nghỉ ngơi sau đó. Bởi vì khi say xỉn sẽ khó làm chủ được bản thân. Lỡ xảy ra "vọp bẻ" rất dễ bị đuối nước. Đó là chưa kể những tác động của nước sông Cái lên cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ mang bệnh khi tắm cồn về.
Một lưu ý khác, trên cồn thường không có nhiều nhà ở nên những tiện nghi, dịch vụ hoàn toàn không có. Vì vậy, đoàn cần chuẩn bị trước một số thực phẩm cần thiết (như: cơm, cá, rau sống…), ướp sẵn gia vị cho những món thịt, sườn nướng, chế biến sẵn nước chấm phù hợp với các món ăn mà đoàn dự kiến sẽ dùng. Cá tôm, trái cây mua trên cồn là những thứ phụ, có thể chế biến và dùng nhanh. Ngoài ra, đoàn nên chuẩn bị lều bạt để che nắng hoặc thuê những khu rạp từ bờ ra. Vì trên cồn thường không có những cây to bóng mát, càng về đuôi cồn càng không có cây cối, nhất là cồn mới nổi.
Trước khi đến những cồn mới, nên tìm hiểu kỹ về địa hình để chọn những vị trí thuận lợi và an toàn, tránh xa các điểm sạt lở. Tốt nhất nên có người địa phương theo đoàn vì họ nắm trong lòng bàn tay những đặc điểm, vị trí trên cồn hoặc nghe theo sự chỉ dẫn của người bản địa.
Theo Miên Hạ (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét