Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Lâm Đen ký sự

(BQN) - Thuở trước, đầm Lâm Đen là nơi mưu sinh và trú ngụ của xóm bè rớ với những ngọn đèn sáng rực trong đêm tối để nhử cá, tôm vào rớ cho phiên chợ sớm mai. Giờ, từng đàn cò trắng thong dong tìm mồi giữa chiều thu yên ả.

1. Đầm Lâm Bình (thuở trước gọi là Lâm Đen, thuộc địa bàn xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) có diện tích khoảng 200ha, tựa chiếc gương khổng lồ soi nền trời xanh thẳm lơ lửng vầng mây trắng bay. Khi mưa giăng kín đất trời, nước lũ đổ về khiến những cánh đồng ven đầm chìm trong biển nước mênh mông.
Cửa đầm là nơi giao nhau giữa sông Trường và sông Lò Bó trước khi hòa vào dòng nước sông Thoa đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Nhờ thế nên lượng tôm, cá khá phong phú, là nguồn thực phẩm chủ yếu hiện diện trong bữa cơm của người dân quanh vùng.

Những bậc cao niên kể rằng: Thuở trước, nhiều người ở nơi khác đến đây mưu sinh với nghề bè rớ đánh bắt cá, tôm trên đầm. Họ mua những cây tre còn tươi, dùng rựa trảy sạch mắt rồi xếp sát vào nhau. Sau đó, họ đặt 4 – 5 đà ngang rồi dùng dây mây rừng buộc chặt từng cây tre vào đà với chiều rộng từ 3 – 4m.

Những chiếc bè vững chãi, đủ sức ngâm mình trong nước, dãi dầu mưa nắng hàng chục năm được kết nối từ 4 – 5 lớp tre như thế xếp chồng lên nhau. Phía đằng sau, họ làm một khoang như khoang thuyền là nơi trú ngụ và sinh hoạt cho cả gia đình. Trước mũi bè là giàn rớ khá chắc chắn để đánh bắt cá, tôm.

Đêm tối, cả xóm bè rớ treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt đầm để dẫn dụ cá vào tấm lưới khá lớn cột vào bốn thân tre dài. Mỗi lần hạ và cất rớ bắt cá, tôm kéo dài khoảng mươi phút với sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình nên khung cảnh rất nhộn nhịp. Những chú cá mơ màng dưới ánh đèn chợt quẫy tung tóe, lấp lánh vảy bạc khi tấm lưới được kéo lên khỏi mặt nước.

Thuở ban đầu, dân xóm bè rớ mưu sinh và cư ngụ ngay trên bè neo đậu trong đầm. Họ chỉ lên bờ bán cá, tôm và mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Lâu dần, tình cảm giữa họ cùng với người dân trên bờ gắn bó mật thiết như anh em họ hàng. Họ chia sẻ mớ cá, tôm tươi rói vừa vớt lên khỏi mặt nước và nhận lại thúng lúa vừa gặt, rổ khoai vừa đào trên vùng đất gò đồi.

Thương cảm kiếp sống lênh đênh trên đầm nước, quan lại và cư dân bản địa đã nhường cho họ khu đất khá rộng để lập làng và sẻ chia ruộng lúa nước, đất gò đồi để họ làm kế sinh nhai. Đời nối tiếp đời, họ an cư trên vùng quê nặng nghĩa ân tình. Xóm bè rớ thuở trước chìm dần vào dĩ vãng.
Dulichgo
Hậu duệ của họ giờ đã quần tụ bên bờ đầm thành xóm làng trù phú yên vui. Sớm mai, con trẻ tung tăng cắp sách đến trường thay cho những bé thơ quẩn quanh trên chiếc bè thuở trước. Nhiều người đỗ cử nhân, tiến sỹ, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, sống phương xa nhưng lòng luôn hướng về quê nhà.

2. Đầm Lâm Đen thuở trước giờ vẫn lắm cá, nhiều tôm, là nơi mưu sinh của nhiều người với việc giăng lưới, đặt đăng nò… Tôi đã có dịp trải nghiệm khi cùng với người bạn đi dỡ đăng nò bắt tôm, cá trong đêm đông rét buốt. Gần 3 giờ sáng, tôi cùng với bạn và mẹ của anh cuốc bộ hơn 1km, từ nhà đến bờ đầm, những cơn gió phả vào mặt lạnh buốt.

Đêm tối, ven đầm vắng lặng tạo nên khung cảnh hoang vu. Tôi phụ anh đẩy chiếc ghe nhỏ xuống nước, chân giật thót như chạm phải điện khi lội vào làn nước lạnh như băng giá. Anh ái ngại: “Hay là chú ngồi trên bờ, trùm kín áo mưa cho đỡ lạnh, không khéo lại nhiễm bệnh đấy!”. Nhưng tôi vẫn nhất quyết bước lên ghe.

Anh đứng phía sau, dang tay chống sào, chiếc ghe lướt nhẹ trên mặt nước dần xa bờ. Những cơn sóng nhỏ vỗ nhẹ vào mạn ghe cùng với tiếng gõ nhịp của những người chài lưới làm lay động mặt đầm mênh mông nước giữa đêm tối.
Dulichgo
Anh tranh thủ giảng giải: “Đánh bắt cá bằng đăng nò dùng lưới nhựa đan dày, cột vào hàng cọc tre cắm xuống đáy với chiều dài mỗi giàn từ 15 – 20m, cao 1,2m. Phần cuối đặt 2 trái nò với khung bằng sắt và lưới nhựa nối liền với lưới chắn. Cá bơi men theo lưới rồi chui vào trái nò ở phần cuối giàn và nếu là cá lớn thì bị nhốt lại, không thể bơi trở ra. Để tôm, cá vào nhiều phải luôn di chuyển giàn nò phù hợp với mức nước trong đầm”.

Làn gió đêm mang hơi nước lạnh buốt dù đã choàng mũ len với vài lớp quần, áo và cả chiếc áo che mưa khá dày. Chiếc máy ảnh trên tay tôi cứ run rẩy cùng với sương đêm bao phủ làm cho khung hình càng thêm mờ ảo.

Anh bạn vẫn dầm mình trong làn nước lạnh với mức từ đầu gối đến bụng đổ từng trái nò vào ghe. Những chú tôm, cá nhỏ xíu búng mình như muốn trốn chạy dưới ánh đèn pin lấp lóa. Mẹ anh nhanh tay phân riêng từng loại tôm đất, cá và cua “để chúng vẫn còn tươi rói khi đến tay người mua”. Mỗi đêm, gia đình anh kiếm được khoảng 150 nghìn đồng, khoản thu nhập đáng kể của người dân quê.

Tôi cũng đã ngủ bên bờ đầm cùng những người chăn vịt trong một đêm cuối hạ. Đêm đen như mực. Tiếng sấm chớp vang vọng phía trời xa. Cánh đồng rộng hàng trăm hécta hoang vắng đến rợn người. Ánh sáng của chiếc đèn pin quét vào màn đêm để xua đuổi bầy chó hoang cứ lảng vảng gần chòi nhốt vịt. Ban ngày, họ vác sào rong ruổi theo đàn vịt và đến tối thì ngủ luôn ngoài đồng để canh chừng chó hoang và ngăn ngừa kẻ trộm.
Dulichgo
Câu chuyện luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng động lạ và tiếng kêu hốt hoảng của bầy vịt. “Chúng tôi lùa vịt đi nhiều xứ đồng để nhặt lúa rơi vãi sau vụ gặt. Nhưng đến mùa khô thì phải chuyển vịt về chăn thả và nhốt ở đồng Bể, cạnh đầm Lâm Bình này cho vịt có nước uống và bơi lội. Bởi vì, ở những nơi khác nước khô cạn nên dễ phát sinh dịch bệnh… Sau 3 tháng lội bộ theo hơn 1.000 con vịt nếu may mắn thì kiếm được khoản lãi trên 10 triệu đồng, gặp lúc vịt mắc dịch bệnh thì phải chịu lỗ vốn” – anh Nguyễn Hiệp nói.

3. Khung cảnh đầm Lâm Bình khá thơ mộng và yên bình với làng quê, ruộng đồng bao quanh. Phía đông là dãy núi Dâu như tòa thành án ngữ ngăn những trận cuồng phong từ biển, phía tây là dãy núi Làng che chắn bão dông. Nắng ban mai trườn qua khỏi đỉnh núi Dâu rọi xuống đầm phản chiếu mặt nước lấp lánh. Cư dân ở những xóm làng ven đầm hứng làn gió mát lành giữa trưa nắng oi ả, xua đi bao mệt nhọc.

Chiều phai nắng, sóng lăn tăn làm cho những ngọn cỏ dập dềnh như đùa vui trên mặt nước. Những đám cỏ năn xanh non tơ phất phơ trước gió chiều. Từng đàn cỏ trắng thong dong tìm mồi ven bờ đầm tạo nên khung cảnh yên bình nơi đồng quê. Những con chim nước cần mẫn kiếm ăn gợi lên hình ảnh người dân quê chịu thương chịu khó lặn lội mưu sinh trên đồng.

Xa xa, nhiều ngư dân chèo ghe giăng lưới bắt cá trên mặt đầm. Những âm thanh nhịp nhàng, dồn dập phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn ghe vang vọng trên đầm nước mênh mông. Khi những tia nắng cuối cùng tắt sau ngọn núi Làng, hoàng hôn bao phủ mặt đầm làm cho cảnh vật mờ ảo, lãng đãng khói sương.
Dulichgo
Nằm cạnh Quốc lộ 1 nên đầm Lâm Bình sẽ là nơi thu hút du khách đến thưởng ngoạn nếu được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Du khách sẽ thỏa lòng khi ngắm “chim trời, cá nước” và thưởng thức món ngon chế biến từ các loại hải sản vừa vớt lên khỏi mặt nước tại hàng quán ven đầm. Nhưng khung cảnh nơi đây giờ còn khá hoang sơ tựa nàng thôn nữ vẫn còn chìm trong giấc mộng ngàn năm. Cần “chiếc đũa thần kỳ” đánh thức tiềm năng đó!

Theo Trang Thy (báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Thác Ba Tầng: Dải lụa trắng trên đỉnh Cà Đam

(QNO) - Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, thác Ba tầng ở núi Cà Đam ẩn mình giữa núi rừng, quanh năm đổ tràn qua những triền đá là điểm đến hấp dẫn đối với những người đam mê khám phá du lịch sinh thái. Du khách đã đến đây một lần chắc chắn sẽ có những ấn tượng sâu sắc về một ngọn thác đẹp huyền bí, giữa núi rừng hùng vĩ.

Thác Ba Tầng nằm trên núi Cà Đam thuộc thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng. Hành trình đi đến thác là thử thách đầu tiên và không hề đơn giản, bởi những đoạn đường dốc và lổn nhổn nhiều tảng đá to, đá nhỏ lăn lóc dọc đường, rất nhiều du khách không đủ kiên nhẫn và đam mê đã phải từ bỏ giữa đường.

Nhưng khi đã gắng sức vượt qua những thử thách đó, du khách sẽ vỡ ào trong cảm xúc của sự khám phá và chinh phục bởi trước mắt là hình ảnh thác Ba Tầng với cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ.

Vẻ đẹp của thác Ba Tầng được ví như người con gái của vùng sơn cước – nồng nàn nhưng mạnh mẽ và hoang dã. Cất công tìm hiểu về cái tên “độc, lạ” - thác Ba Tầng, câu trả lời chúng tôi nhận được từ những cư dân bản địa sinh sống ở đây phần lớn đều cho biết, sở dĩ có tên là Thác Ba Tầng chính bởi ngọn thác này đã được tạo hóa khéo chia thành 3 tầng thác nối tiếp nhau, ở mỗi tầng thác là là các hồ nước trong xanh.
Dulichgo
Trong khung cảnh hoang sơ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Dòng thác đổ bọt tung trắng xóa từ trên đỉnh núi xuống và trở nên hiền hòa, êm dịu ở đoạn dưới suối, lúc lên bổng, khi xuống trầm tạo nên âm thanh lúc ầm ào, khi réo rắt. Trong cái yên tĩnh gần như tuyệt đối của núi rừng, bản hòa tấu âm thanh của thác nước càng trở nên vang dội và sống động hơn bao giờ hết.

Do nằm trên núi cao nên thác Ba Tầng rất ít người biết đến nên thác vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp hay tác động vào. Cũng vì thế mà dòng nước và môi trường xung quanh nơi đây rất trong lành và đẹp lãng mạn khiến du khách đã một lần ghé đến khó thể nào quên.

Bạn có thể đến thác vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa, lượng nước về sẽ nhiều hơn và thác nước sẽ hùng vĩ hơn. Nếu không phải vào lúc mưa lớn hay có lũ, dòng thác rất hiền hòa, với độ dốc, độ sâu vừa phải.
Dulichgo
Đến đây, du khách được đắm mình trong dòng nước mát lạnh trong veo, được vùng vẫy, đùa nghịch giữa hồ nước yên tĩnh hay cảm nhận những giai điệu du dương được cất lên từ tiếng thác chảy, tiếng chim hót... khiến tâm hồn bạn như tan chảy và thoải mái.

Ngoài ra, trên cung đường khám phá thác Ba Tầng, du khách cũng sẽ được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Kor trên đỉnh Cà Đam, ngắm nhìn những nóc nhà nằm bình yên giữa lưng chừng núi.
Dulichgo
Hùng vĩ, hoang sơ, quyến rũ… là những điều mà du khách cảm nhận được khi ghé thác Ba Tầng. Nếu có dịp ghé Trà Bồng, hãy đến Cà Đam để chiêm ngưỡng thác Ba Tầng, lắng mình bên bức tranh sơn thủy vẽ dải lụa trắng bay giữa đại ngàn và ngắm nhìn non nước hữu tình.

Theo B.Khánh (báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Có một Đắk Nông mùa lúa chín

(TTO) - Tháng 10 đang về, cũng là mùa thu hoạch lúa vùng cao. Không chỉ ở Tây Bắc miền xa, mà ở Đăk Nông cũng đang vào mùa gặt, đập, phơi... hối hả. Chúng tôi may mắn được trải nghiệm một mùa vàng Tây nguyên tại huyện Cư Jút, Đắk Nông.

< Trên các con đường thôn, rơm được rải phơi trong nắng.

Đêm giữa tháng 9, chúng tôi đi vào một xóm nhỏ vùng sâu của huyện Cư Jút trong ánh sáng đèn xe máy lờ mờ. Thấy ven đường người dân giăng bạt, thắp đèn. Xa xa là một cái máy gặt đang rì rì chạy.

Dừng lại hỏi thăm chuyện gặt đêm, những người dân chung quanh mới nói "do mùa này mưa nắng thất thường, nên xe rảnh là tranh thủ gặt. Lúa vào bao là mang về sân phơi bất kể đêm ngày”. 

< Các con dường ven lộ đều biến thành sân phơi trong mùa gặt.
Dulichgo
Hôm sau là một ngày nắng ấm. Trên đường từ thôn nhỏ trong huyện ra trung tâm thị trấn Ea Tling, chúng tôi lại được đi quanh các con ngõ đất đỏ ngập tràn rơm xanh (vùng cao này chưa có máy quấn rơm và lúa), hạt tràn ngập sân các sân nhà, đường lộ... Ai cũng hồ hởi vì... trời nắng.

< Lúa sau khi phơi được gom lại chờ vào bao.

Một người dân thận thiện chào khách cười bảo: "Phải tranh thủ phơi để xay. Ông trời tháng 10 sáng nắng chiều mưa. Nên hạt lúa gặt xong rất cần một cơn nắng cho ráo áo"...

< Bên cạnh rơm là lúa hạt.
Dulichgo
Buổi trưa, chúng tôi được mời ăn cơm gạo mới. Gạo hơi khô và cứng nhưng ngọt cơm. Đa số các gia đình ở Đăk Nông đều có máy xay xát. Lúa gặt xong, vô bao, phơi ráo là mang đi xay, vừa có cám cho heo gà, vừa có gạo sạch cho gia đình.

< Một phụ nữ vác rơm về nhà.

Chị chủ nhà hiếu khách cho biết do có xem đài, đọc báo nên rất sợ thực phẩm nhiễm độc, cái gì trong nhà ăn đều là nuôi trồng tại vườn. Chị nói thêm gạo chúng tôi đang ăn là loại lúa nước, nhưng là loại chịu hạn (lúa lai).  

Các cánh đồng lúa nước ở Đăk Nông chủ yếu nằm trên nền đất bazan đen nên lúa rất chắc hạt, dù ít nở. Còn lúa rẫy thì ít lắm, chỉ trồng để giữ giống trên các nương rẫy trên núi cao và xa, dùng để cúng lễ mùa lúa mới.

< Rơm trải kín từ trong sân ngõ ra đến đường lộ.
Dulichgo
Thấy chúng tôi tò mò. Chị hướng dẫn chúng tôi ra bờ đập Đăk Drông phía thôn 14 của huyện Cư Jút, nơi có một vùng thung lũng đang ngập trong màu lúa chín, rồi giải thích do đặc thù cái nắng cái gió cao nguyên nên các vùng quanh đây lúa làm hai mùa, mùa đầu mưa và cuối mưa.

< Tại vùng cao Tây nguyên, rơm tươi là thực phẩm cho gia súc trong những ngày mưa.

Tháng 4 đến tháng 12 tận dụng nước mưa của trời. Và  cũng vì mưa mà mùa gặt ở đây phải tiến hành thật nhanh với công cụ hỗ trợ là xe máy gặt. Thường chỉ trong vài buổi với xe máy cày và xe máy chở lúa trong bao về để kịp trải phơi trong sân và hiên nhà. Sang mùa nắng thì cho đất nghỉ. Vì có trồng cũng phải bơm nước từ giếng, cực lắm.

< Một căn nhà người dân tộc có sân để phơi lương thực. Những bao xanh là lúa đã phơi khô chờ xay xát.


Xem thêm:

Huyện Cư Jút nằm trên trục đường quốc lộ 14, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) 20km về phía Tây Nam và cách thị xã Gia Nghĩa 110km, nằm về phía Bắc tỉnh lỵ Đăk Nông, có 20km đường biên giới giáp huyện Pecchamda - tỉnh Mundunkiri, Campuchia.
Dulichgo
Huyện có 8 đơn vị hành chính, gồm các xã Trúc Sơn, Nam Dong, Tâm Thắng, Ea Pô, Đăk Wil, Cư Knia, Đăk Drông và thị trấn Ea Tling

< Ngay cả chú chó nầy cũng vui thích với rơm.

Vùng Cư Jút chịu sự chi phối bởi kiến tạo địa chất của cao nguyên, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Tây sang Đông, từ Nam đến Bắc, độ cao trung bình khoảng 330m. Lượng mưa trên địa bàn lớn, trung bình hàng năm 1.700 - 1.800mm, có nhiều sông suối nên địa hình chia cắt mạnh.

Cư Jút mang đặc điểm khí hậu của miền cao nguyên nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm, là thời gian phát triển mạnh của các loại cây trồng; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể cộng với gió mùa đông bắc làm tỉ lệ bốc hơi nước cao gây khô hạn, hệ thống thực vật kém phát triển.

Theo Trung Oanh (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Hạ Long thu nhỏ trong lòng Hà Nội

Nằm trong vùng địa hình bán sơn địa, hồ Tuy Lai (huyện Mỹ Đức – TP Hà Nội) như một “tiểu Hạ Long” vô cùng đẹp mắt. Với diện tích lòng hồ rộng hàng trăm ha, có rừng, có núi và còn khá nguyên sơ, nơi đây thực sự là nguồn sống cho những người dân thuần nông chất phác khi nó chưa bị ảnh hưởng bởi mặt trái của du lịch.

Hồ nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km, thuộc địa phận xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức. Đây là vùng đất cuối cùng phía Tây Nam của Hà Nội, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Để tới hồ Tuy Lai du khách hướng về Hà Đông qua Ba La tới làng Vác rẽ phải về Ba Thá (cách đó chừng 4,5 km).

Quần thể hồ Tuy Lai gồm những dãy núi đá vôi đan xen nhau rộng hàng trăm hecta với 3 hồ lớn nối liền hồ Quan Sơn tạo nên cảnh quan đẹp lạ. Lòng hồ trải dài theo chân một dãy núi đá vôi.

Mặt nước xanh trong với lô nhô gần chục hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều hang động, tạo nên cảnh quan thơ mộng. Nhiều người gọi hồ là vịnh Hạ Long của Hà Nội.
Dulichgo
Vào khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, một con đê được xây đắp để giữ nước làm thủy lợi đã hình thành nên hồ Tuy Lai rộng lớn như ngày nay với tổng diện tích mặt nước vào khoảng 250 ha và có 150 ha rừng tự nhiên.

Hiện tại, một số người dân xã Tuy Lai đã đấu thầu để được sử dụng vùng lòng hồ và núi rừng để chăn nuôi và thả cá. Vịt là loại gia cầm được chăn thả phổ biến ở vùng ven bờ. Trong ảnh là anh Lã Văn Thanh ở thôn Thượng đang chăn đàn vịt gần 10 nghìn con. Anh cho biết nếu thuận lợi thì một năm nuôi được từ 2 đến 3 lứa.
Dulichgo
Còn đây là chị Phùng Thị Chuyển ở thôn Quýt 2, chị vừa lội qua hồ để vào núi thăm đàn dê đang chăn thả. Nhà chị đấu thầu 15 ha đất rừng trong dãy núi ở vùng hồ Tuy Lai để nuôi bò và dê với giá 2 triệu đồng/năm.

Những người dân khi đấu thầu đất vùng núi rừng để chăn nuôi cũng gắn liền với trách nhiệm bảo vệ rừng. Người dân chỉ được lấy những cành củi nhỏ chứ không đươc phép chặt cây.

Lòng hồ trải dài men theo chân dãy núi đá vôi tạo nên cảnh quan thơ mộng với một bên là bãi cỏ xanh mướt và một bên là những ngọn núi đá vôi lô nhô dựng đứng.

Dọc theo triền đê có nhiều chùa chiền miếu mạo tạo nên cảnh quan yên bình của vùng đất bán sơn địa. 
Dulichgo
Một vùng hồ được thầu để nuôi thả cá. Theo những người nuôi cá ở đây thì họ chỉ việc thả cá giống chứ không cho ăn. Làm như thế là để môi trường sống gần với tự nhiên, cá khi thu hoạch sẽ ngon hơn nhiều.

Những con cá trắm cỏ, cá trôi cỡ 2 kg vừa được đánh bắt lên từ lòng hồ Tuy Lai.

Mặt hồ phẳng lặng như gương, phản chiếu những ngọn núi nhấp nhô tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp cho vùng hồ. Đây là một vùng đất hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được vẻ nguyên sơ của thiên nhiên.
Dulichgo
Sau mỗi ngày lao động, những người dân Tuy Lai trò chuyện thoải mái trong không khí trong lành bên bờ hồ.

Theo Hữu Nghị (Dân Trí)
Du lịch, GO!

Các điểm du lịch tiêu biểu ở Duy Xuyên

Duy Xuyên nổi tiếng với di sản thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm. Ngoài ra, nơi đây còn có kinh thành Trà Kiệu, có Lễ hội Bà Thu Bồn…
Địa hình Duy Xuyên chảy từ Tây xuống Đông trải dài 45km dọc theo bờ Nam sông Thu Bồn, có rừng núi phía Tây và có vùng đồng bằng ven sông màu mỡ và vùng cát ven biển, tạo nên những làng mạc trù phú dọc theo sông.

Nếu tính từ xã Duy Phú thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì:
- Mỹ Sơn cách Trà Kiệu (Kinh thành Simhapura) 20 km;
- Cách Di sản Văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An 45 km;
- Cách cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới 145 km;
- Cách thành phố Đà Nẵng 68 km.

+ Thánh địa Mỹ Sơn.

Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.

Kazik (Kazimiers - Kwiatkowski) - người kiến trúc sư tài ba nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn đã thốt lên “người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ -  thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”
Dulichgo
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một khu di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, ngày 4 tháng 12 năm 1999, tại thành phố Marr kesk - Nước cộng hòa Marocco, khu di tích Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

+ Thủy điện Duy Sơn II

Khu du lịch sinh thái thuỷ điện Duy Sơn II nằm trên địa bàn xã Duy Sơn,  huyện Duy Xuyên, cách di tích kinh thành Trà Kiệu khoảng 5 km về phía Nam.

Bằng sự cần cù sáng tạo anh hùng lao động Lưu Ban đã phát hiện và khai thác thành công dòng nước nằm trên một ngọn đồi cao. Nước từ Hòn Tàu chảy về Ba Ao sau đó được nén trong bể áp lực rồi xuống hai xưởng phát điện với công suất 800kw và 2100kw. Là một công trình thủy điện nhỏ,  không hùng vỹ nhưng lại mang một giá trị tinh thần vô giá, thể hiện một ước mơ nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết của người dân Duy Xuyên.

Với diện tích khoảng 700.000m2, những hồ nước xanh biếc nằm ẩn hiện quanh những dòng suối đá và bao phủ lên đó là những cánh rừng phi lao thơ mộng. Nước hồ có màu rất đẹp được tạo ra do đá, rể cây và khi nhìn ở những góc độ khác nhau ta thấy nước lại chuyển màu khác. Không khí nơi đây quang năm trong lành và thoáng đãng.
Dulichgo
Đến đây, du khách có thể tham quan nhà máy xử lý nước trước khi leo lên đỉnh núi thượng nguồn hoặc sinh hoạt dã ngoại trong những hang đá kỳ ảo nằm bên những dòng suối chảy từ trong vách núi ra.

+ Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu:

Thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Nằm cách đô thị cổ Hội An khoảng 03 km theo cầu Trường Giang, du khách có thể đi theo đường bộ từ khu di tích Mỹ Sơn bằng đường bộ đến ngã ba Nam Phước theo trục đường 610 về hướng Đông khoảng 10 km.
Dulichgo
Đây là vùng hạ lưu sông Thu Bồn gồm nhiều nhánh sông thơ mộng luồn lách dưới những rặng dừa nước nước rợp bóng mát. Làng quê thanh bình với những vườn cau cao vút. Nơi đây còn lưu giữ nghề thủ công truyền thống  dệt chiếu, đan lát...và những món ăn đặc sản, dân dã.

+ Bảo tàng văn hoá Sa huỳnh- Chămpa

Được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2009, nằm trên tuyến đường thăm quan khu di tích Mỹ Sơn. Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội, về văn hoá Sa huỳnh và Chăm pa… nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Dulichgo
Trong tương lai Bảo tàng sẽ liên kết với khu di tích Mỹ Sơn, khu du lịch sinh thái Duy Sơn, Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, di tích Đồn Hòn Bằng, di tích Lăng mộ Bà Đoàn Quí Phi, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, …tạo nên một tour du lịch khép kín giới thiệu các loại hình du lịch, đa dạng, các sản phẩm du lịch độc đáo thông qua bộ sưu tập, di tích lịch sử văn hoá Duy Xuyên.

Theo CTTĐT huyện Duy Xuyên
Du lịch, GO!

Mùa thu về làng quê Yên Đức

Cách trung tâm TP Hạ Long khoảng 60km về phía Tây, khu du lịch làng quê Yên Đức thuộc xã Yên Đức, TX Đông Triều có sức hấp dẫn với khách du lịch, đặc biệt với khách du lịch quốc tế ưa thích loại hình du lịch sinh thái kết hợp với khám phá văn hoá bản địa.

Với không gian thanh bình, yên ả, Yên Đức mang đậm bản sắc đặc trưng của một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ấn tượng đầu tiên đó là con đường bê tông quanh co dẫn vào làng được phong quang, sạch sẽ, hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh mướt, hương thơm thoang thoảng của mùi sữa lúa non mới trổ, xen lẫn đó là những ao, hồ thả cá, những vườn rau, những rặng dừa, cau trĩu quả, mang đậm chất thôn quê. Chỉ khoảng 2 tháng nữa thôi, mùa gặt lại đến, mùi thơm của lúa nếp cái hoa vàng, đặc sản của vùng đất Đông Triều lại lan toả khắp làng quê.

Chị Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc phụ trách dịch vụ, Du lịch làng quê Yên Đức cho biết, mùa này khách du lịch đến với Yên Đức chủ yếu là khách du lịch châu Âu. Mỗi ngày trung bình, khu du lịch này đón khoảng 100 khách đến tham quan. Điều mà khách du lịch thú vị nhất khi đến đây, đó là du khách không chỉ được hoà mình vào không gian yên bình của làng quê, mà còn có cơ hội trải nghiệm như những người nông dân thực thụ khi được tự tay làm các công việc nhà nông như xay lúa, giã gạo, cuốc đất, trồng rau, cấy lúa, bắt cá... Điều đặc biệt là du khách được hướng dẫn bởi chính những người nông dân ở làng quê Yên Đức.
Dulichgo
Năm 2011, Công ty CP Du thuyền Đông Dương bắt đầu tiến hành khai thác mô hình du lịch làng quê Yên Đức, Công ty đào tạo hướng dẫn viên 100% là bà con nông dân địa phương. Các hướng dẫn viên này có thể cầm tay hướng dẫn du khách xuống ao đánh bắt cá, trồng rau, đan lát, làm các loại bánh truyền thống...

Lúc đầu mới đi vào hoạt động khu du lịch làng quê chỉ có hơn 10 người rồi đến 30 người tham gia, bây giờ con số đó đã lên đến 60 người làm du lịch phục vụ khách.

Chị Mery Edwars, khách du lịch đến từ Anh chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với cảnh đẹp làng quê Yên Đức, đặc biệt là những người nông dân mộc mạc, thân thiện và mến khách. Chúng tôi đã được họ chia sẻ, trải nghiệm cuộc sống thôn quê, hướng dẫn những kỹ năng như: Xay thóc, giã gạo, đánh bắt cá... vô cùng thú vị”.

Hiện nay, đến khu du lịch làng quê Yên Đức, khách du lịch có thể lựa chọn những chương trình tour tham quan khác nhau. Theo đó, tour tham quan làng với khoảng thời gian từ 2,5-5 tiếng. Du khách có thể thăm các di tích lịch sử nằm trên địa bàn thôn Yên Khánh và Đồn Sơn như: Hang 73, chùa Cảnh Huống và thăm nhà dân làm các nghề truyền thống như làm chổi từ những bẹ cau, bẹ dừa...

Hoặc những tour ngắn, ít thời gian, khách du lịch thường xem múa rối nước, trải nghiệm xay lúa, giã gạo, ăn trưa ở nhà dân. Đặc biệt du khách sẽ được thưởng thức những món ăn địa phương vô cùng giản dị như nộm hoa chuối, khoai lang luộc, ngô nếp nướng, chè nếp cái hoa vàng, nem chay Yên Đức... giữa khung cảnh đồng quê dân dã, yên bình.
Dulichgo
Đối với những tour nghỉ đêm lại ở Yên Đức, ngoài những điểm tham quan trên địa bàn, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người dân trong làng làm bánh trôi nước, bánh chưng, tham gia CLB học hát quan họ, tìm hiểu về những ngôi nhà ở truyền thống của người dân Bắc Bộ với phong tục thờ cúng tổ tiên... để hiểu thêm về bức tranh làng quê Yên Đức.

Nếu như mấy năm trước, du lịch làng quê Yên Đức chỉ thu hút khách du lịch quốc tế thì mùa hè năm nay, lượng khách trong nước đến với khu du lịch khá đông, chủ yếu là những đoàn khách học sinh, khách gia đình kết hợp tham quan trải nghiệm.
Dulichgo
Vào mùa thu, khung cảnh làng quê Yên Đức đẹp như một bức tranh, những rặng tre, hàng cau thẳng tắp, những ngôi nhà mang dáng dấp cổ kính, những ao hồ nho nhỏ giữa làng, những người nông dân hiền hậu, bạn hãy thử tạm rời xa những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thị thành, trở về làm người nông dân, hít hà không khí thơm mùi lúa mới, xem múa rối nước truyền thống, rồi đi úp nơm, bắt cá cùng những vị khách Tây hết sức sôi nổi. Có khi đơn giản hơn, vào buổi chiều, đạp xe thong dong trên những con đường làng để ngắm cảnh. Làng quê Yên Đức sẽ giúp bạn những trải nghiệm tuyệt vời mang đậm hồn quê ấy.

Theo Cẩm Thu (Quảng Ninh online)
Du lịch, GO!

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Suối Ka Xim - Điểm đến hấp dẫn

(BQN) - Cách trung tâm huyện lỵ Sơn Tây khoảng 3km, suối Ka Xim ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung được xem là điểm đến hấp dẫn cho nhiều người yêu thích vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng.

Mùa này, Sơn Tây mang vẻ đẹp hiền hòa, có nhiều nét tương đồng với những vùng núi Tây Bắc. Sáng sớm sương mù giăng khắp triền núi, tiết trời se lạnh, đến non trưa thì hửng nắng, ấm áp. Tiết trời trong trẻo, dễ chịu rất thích hợp để đi khám phá, trải nghiệm.

Được nhiều người dân địa phương giới thiệu về suối Ka Xim, chúng tôi bắt đầu chuyến du ngoạn của mình. Từ trung tâm huyện đi theo trục đường đến xã Sơn Dung, sau đó rẽ trái đi hơn 1km sẽ đến suối Ka Xim.

Trên quãng đường đến Ka Xim, mọi người sẽ được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng ươm màu lúa chín, những ngôi nhà sàn của đồng bào Ca Dong nằm e ấp, hòa mình giữa núi rừng. Cung đường đến Ka Xim vòng cung, càng lên cao thiên nhiên càng hiện ra tươi đẹp, hùng vĩ.
Dulichgo
Gọi là suối Ka Xim, nhưng dòng chảy của nước khá mạnh, đổ từ trên cao xuống tạo thành 2 tầng thác nước tuyệt đẹp, hình thành hai hồ nước tự nhiên để chúng ta có thể thỏa sức tắm mát. Dòng chảy của thác nước đổ qua hai lòng hồ tạo nên điều đặc biệt chỉ có ở Ka Xim. Dòng thác nước trên cao, đổ thẳng xuống lòng hồ thứ nhất như một dải lụa trắng, rồi lại tiếp tục chảy từ lòng hồ hình thành hồ nước thứ hai.

Nhờ sự độc đáo của 2 tầng thác nước, mà ở mặt hồ thứ nhất nước luôn xô đá, tung bọt trắng xóa, còn mặt hồ thứ hai lại phẳng lặng như chiếc gương soi khổng lồ. Theo lời của người dân địa phương, phụ nữ thường tắm ở hồ thứ hai, vì mặt nước yên ả, độ sâu chỉ tầm 3m, còn hồ nước thứ nhất ở trên cao thường dành cho đấng nam nhi, ưa mạo hiểm.
Dulichgo
Dù nằm sát đường lộ, nhưng Ka Xim được “bao bọc” bởi khu rừng già nguyên sinh nên mùa hè, nơi đây cũng rất mát, là chốn vui chơi của nhiều người, đặc biệt là những đứa trẻ vùng cao. Ở đây, mọi thứ đều hài hòa, dễ chịu làm lòng người cũng trở nên tươi vui, yêu đời hơn.

Ngay cả những tảng đá cũng như được sự sắp đặt ngay ngắn, tảng kề tảng như bàn đá để làm chỗ nghỉ chân, tảng chồng tảng thành bậc cấp để việc di chuyển được dễ dàng hơn. Nhóm bạn của anh Nguyễn Thành Vinh, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đang tập trung vui chơi tại suối Ka Xim, cho biết: Thỉnh thoảng vài tháng, chúng tôi lại cùng nhau đi xe máy lên đây dã ngoại.

Với cảnh sắc tươi đẹp, Ka Xim không chỉ thu hút nhiều người dân địa phương mà vào dịp cuối tuần, nhiều bạn trẻ yêu thích khám phá, cũng vượt chặng đường xa để đến với thác nước tuyệt đẹp này. Giữa miền sơn cước, núi cao trùng điệp, dừng chân ở Ka Xim để lắng nghe bản hòa âm độc đáo của thác nước chảy và tiếng chim rừng, thỏa sức vui chơi bên làn nước mát và tận hưởng không gian trong lành dưới bóng mát của những tán rừng già thì không có gì thú vị bằng.

Theo Hiền Thu (báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

Phượt ở đảo...

(BQN) - Sau nhiều lần xếp lịch, lên kế hoạch cụ thể cho chuyến phượt ở đảo Vĩnh Thực (gồm các xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung thuộc TP Móng Cái), mãi gần đây, anh bạn cùng quê mới “tạo điều kiện” để tôi có dịp làm hướng dẫn viên, cùng anh khám phá hòn đảo xinh đẹp nơi cực bắc của Tổ quốc này.

Hoang sơ đảo Vĩnh Thực

Lại Hữu Thiện - anh bạn tôi có niềm đam mê xe mô tô phân khối lớn. Những “con ngựa sắt” đã lần lượt cùng anh vào Nam, ra Bắc. Sau hơn 5 giờ “cưỡi ngựa sắt” từ Bắc Ninh xuôi Móng Cái, bạn tôi đã miễn cưỡng gửi “chiến mã” của mình tại bến tàu Mũi Ngọc, phường Bình Ngọc (TP Móng Cái) để cùng tôi đi xuồng máy ra đảo. Xuồng máy băng băng lướt sóng, tung bọt trắng xoá và chỉ chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã đặt chân lên đảo.

Từ cảng Vạn Gia, chúng tôi chạy xe máy giữa con đường độc đạo quanh co, vắng vẻ. Hai bên đường, đồng ruộng trải dài hút tầm mắt, nhà dân thưa thớt dần và sau đó cảnh vật chỉ còn những vạt rừng rực rỡ sắc màu của hoa cỏ thiên nhiên, bên kia là biển rộng mênh mông với những con sóng vỗ ghềnh đá ì oạp. Sau khoảng hơn 4km, điểm đến đầu tiên chúng tôi khám phá đó là bãi biển Đầu Đông.

Trước mắt chúng tôi là một bãi cát thật mịn, thật trắng, thoải dài ra mép nước trong xanh. Như không thể kìm được cơn khát biển, anh bạn tôi ngay lập tức cởi bỏ giầy, quần áo ùa mình xuống biển cùng với các du khách khác đắm mình trong làn nước biển trong xanh. Bãi biển Đầu Đông được người dân nơi đây ví như đầu của con rồng đảo Vĩnh Thực.

Trong khi anh bạn mê mải tắm biển, tôi tranh thủ đi tìm quán đặt ăn bữa chiều. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến quán của gia đình anh Hoàng Văn Trường, chị Lê Thị Điều, ở Bãi Giữa, thôn 1, xã Vĩnh Thực. Anh chị chủ quán đón tiếp tôi với sự niềm nở vốn có của người dân xã đảo. Chủ quán giới thiệu, tư vấn cho khách ăn gì cho phù hợp và giá cả cụ thể của từng món. Khi đã đảm bảo có nơi ăn, chốn ở, lòng nhẹ nhõm và hào hứng, tôi quay trở lại bãi biển Đầu Đông đón bạn.

Giữa tiết trời thu hanh hao đầy những nắng và gió, chúng tôi rong ruổi trên chiếc xe máy và nhằm hướng ngọn hải đăng Vĩnh Thực. Đường từ bãi biển Đầu Đông đến hải đăng Vĩnh Thực chừng 3km. Con đường này nằm ven biển, ven núi, bên những vạt rừng với hai bên rực rỡ sắc màu của hoa cỏ thiên nhiên. Có lẽ do cảnh đẹp nên du khách như quên đi khái niệm về thời gian. Cứ chốc chốc, anh bạn tôi lại đòi dừng xe để chụp ảnh rồi tìm một điểm cao hướng mặt ra biển, ngắm nhìn trời biển quê hương và hít vào lồng ngực hơi thở biển cả, của thiên nhiên trong lành. Núi đồi nối tiếp nhau, rừng phi lao trập trùng, những đồi thông xanh non mơn mởn xen lẫn những rặng hoa guốc biển trắng tinh khôi, rồi những cụm mẫu đơn hồng, đỏ lấp ló ven đồi khiến du khách nào qua đây cũng đều thích thú.
Dulichgo
Qua một con dốc thật cao, tưởng chừng như đã đặt chân đến ngọn hải đăng thì một khung cảnh hùng vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi. Một bên là vực biển sâu với bãi cát trải dài trắng tinh uốn lượn, một bên là vách núi tận cùng mũi đảo như một bức tường lớn chắn ngang phía trước. Háo hức vì lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây và ngỡ rằng mình là người đầu tiên khám phá nơi này, anh bạn tôi ngay lập tức cho xe chạy băng băng xuống dốc rồi tìm đường ra biển. Bãi biển bị ngăn cách bởi vách núi khiến cho nơi này giống như một thế giới hoang sơ chỉ có cát, đá và cây rừng. Những phiến đá lớn màu nâu đen trầm mặc như những bức hoạ với vô vàn đường nét, hình khối do “hoạ sĩ thuỷ triều” tạo nên. Từ dưới bãi biển, nhìn lên vách đá phía mũi đảo, ngọn đèn biển đang sừng sững cùng với những người gác đèn đang ngày đêm làm công việc lặng lẽ, soi đường, chỉ lối cho tàu thuyền an toàn đi qua vùng biển.

Nghỉ chân bên gốc cây gạo chừng 15 phút, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục ngọn hải đăng. Băng qua những bậc thang cao ngất, chúng tôi đã đến chân tháp đèn. Hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển quốc tế do Việt Nam xây dựng và quản lý ở vị trí đầu tiên biên giới biển hình chữ S.

Ngọn hải đăng này được xây dựng từ năm 1986, do Xí nghiệp bảo đảm hàng hải Đông Bắc bộ thuộc Tổng Công ty Đảm bảo hàng hải miền Bắc, Bộ GT-VT quản lý. Hải đăng Vĩnh Thực không phải là công trình quy mô lớn, nhưng khi đứng ở vị trí này, nó trở nên lớn lao hơn, như một người gác biển già đã từng chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Vừa men theo chiếc cầu thang hẹp bằng gỗ được thiết kế theo hình xoắn ốc để lên đến đỉnh tháp đèn, người gác đèn trẻ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về những ngày sóng to, biển động, về những luồng cá, những hành trình trên biển của những chuyến tàu...

Tôi cảm nhận được thật rõ tình yêu của những người gác biển nơi đây đối với từng ánh đèn chớp sáng trong đêm, như con mắt chỉ đường cho những con tàu an toàn qua mũi đảo. Tôi bỗng nhớ đến những người gác đèn nơi đảo Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc mà tôi đã có dịp ghé thăm... Lên đến đỉnh tháp đèn, anh bạn tôi trầm trồ: “Đến được nơi đây. Đứng trên ngọn hải đăng này ngắm nhìn trời biển quê hương là một trải nghiệm mà tôi không thể quên...”.
Dulichgo
Ấn tượng khó quên

Trời chạng vạng cũng là lúc chúng tôi tạm biệt hải đăng Vĩnh Thực, tạm biệt những người gác biển để về cơm nước, nghỉ ngơi và tiếp tục khám phá những điều thú vị, mới mẻ trong hành trình xuyên đảo. Một mâm cơm tươm tất đã được anh chị chủ quán dọn sẵn chờ chúng tôi về. Mâm cơm có ghẹ, ốc, cá lạp xạp... Món nào cũng là đồ tươi sống khiến hương vị vô cùng ngon, ngọt. Và đặc biệt là món ngao vàng hấp rượu trắng đã khiến anh bạn tôi vô cùng thích thú bởi hương vị cay nồng vô cùng khác lạ.

Buổi tối hôm đó, chúng tôi dạo một vòng quanh đảo để tìm hiểu, trải nghiệm thêm về đời sống sinh hoạt của người dân. Là một nơi hoang sơ, đảo Vĩnh Thực chưa có khách sạn, chỉ một vài nhà dân có vài phòng cho khách trọ qua đêm. Nếu muốn nghỉ qua đêm, bạn cần liên hệ với nhà dân hoặc trường mầm non trên đảo, kinh phí rất rẻ, chỉ khoảng 250.000 đồng/phòng/đêm. Đêm hôm đó, chúng tôi mắc võng dưới những rặng phi lao để tận hưởng làn gió mát lành từ biển và háo hức cùng những du khách khác chờ một chuyến trải nghiệm cùng bà con ngư dân câu mực, đánh cá theo chương trình “Một ngày làm ngư dân”. Một người quen của tôi, anh Nguyễn Văn Đông, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thực đêm đó cùng chúng tôi hóng gió biển, anh cho biết: Xã đảo có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay kết cấu hạ tầng còn yếu, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng chưa thật sự bài bản. Vì vậy, Vĩnh Thực vẫn chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên cộng với sự mộc mạc, chân thành của người dân xã đảo.Dulichgo

Sáng hôm sau, khi đã được chủ nhà thết đãi món cháo khoai lang, chúng tôi lại tiếp tục hành trình nhằm hướng bãi biển Bến Hèn, Vụng Dầm (Vĩnh Trung) để khám phá. Bãi biển Bến Hèn đã hấp dẫn chúng tôi bởi vẻ đẹp nguyên sơ với làn nước trong xanh, bãi cát trắng vàng mịn, bao bọc bởi rừng phi lao xanh mướt. Tại đây, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị khi được cùng bà con ngư dân làm nghề nuôi trồng thuỷ sản truyền thống... Rồi tại Vụng Dầm, được ví như là đuôi của con rồng Vĩnh Thực, nơi đây còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ với bờ cát trắng vàng thoải, làn nước trong xanh và có hệ sinh thái đa dạng. Còn vô vàn những điều hấp dẫn khi đến khám phá hòn đảo này. Anh bạn tôi thì quả quyết: Một ngày gần đây nhất sẽ bố trí thêm thời gian để cùng bạn bè, gia đình khám phá thêm những điều kỳ thú của tuyến du lịch này.

Theo Hữu Việt (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!