Mỗi ngày, nước chỉ“nổi” lên từ từ chừng mười đến hai mươi phân. Nước nô nức từ thượng nguồn Mekong, qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia; rồi kéo nhau xuống Nam bộ mở hội. Nước sóng sánh niềm vui; người nhộn nhịp, hối hả thu hoạch sản vật.
Vào mùa nước nổi, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông như một ốc đảo, lạ lùng và đông vui giữa bốn bề nước. Nhiều vùng ở Đồng Tháp, An Giang cũng vậy. Trên trời, dưới nước, chỉ có trời nước chứ không thấy trời đất. Nhà cửa, con người và cây cối như những nét chấm phá sống động giữa bức tranh khổng lồ trời nước. Cả người và cây, bao đời đã quen sống chung với nước. Nước về ngập đồng, ngập đất mang theo bao phù sa và sản vật cho đời. Những hàng cây ngập nước, không úa vàng héo rũ mà vẫn rối rít vẫy chào, mượt mà xanh vui. Những loài hoa đặc thù như điên điển, súng, sen… càng tươi cười khoe sắc.
Dulichgo
Vỏ lãi – còn gọi là tắc ráng, là phương tiện vận chuyển chính để khám phá Tràm Chim. Quá nhiều điều mới lạ, ngạc nhiên và thú vị. Tràm Chim là giang sơn của nhiều loài chim di cư. Rừng đặc dụng ngập nước, khu Ramsar thế giới, có diện tích 7.588ha, là nơi cư trú của hơn 100 loài động vật có xương sống, 147 loài chim nước, 55 loài cá. Tràm Chim có 130 loài thực vật đơn thuần hoặc đan xen, tạo thành những quần xã đặc trưng. Quần xã thực vật nào thì có động vật tương ứng đó. Nhiệm vụ vườn là bảo tồn các loại động thực vật bản địa, các nguồn gien quý hiếm.
Dulichgo
Đồng cỏ ống gần 1.000ha đan xen cỏ sả, cỏ chỉ, lúa ma; là nơi kiếm ăn của công đất, sơn ca, sẻ bụi, cú, trảu đầu hung, già đẫy, trích đầm lầy, giang sen, chiền chiện… Đồng lúa ma, nhà bếp của các loài chim nước, rộng gần 900ha, đan xen cỏ bắc, cỏ ống, cỏ chỉ còn lúa ma đơn thuần chỉ gần 50ha. Lúa ma còn gọi là lúa trời bởi tự mọc, chẳng ai gieo trồng mà xanh mướt, nước lên tới đâu, lúa mọc vượt nổi lên tới đó.
Động vật nổi tiếng nhất của Tràm Chim là sếu, loài chim từng xuất hiện hơn 60 triệu năm trước, có mặt khắp các châu lục. Họ chim kiếm ăn vùng ngập nước đều làm tổ trên cây. Còn họ nhà sếu chỉ làm tổ trên mặt đất vì ngón chân út ngắn lại cao hơn mấy ngón khác khiến sếu không thể đậu trên cây. Sếu là họ nhà chim cao nhất, có con cao tới 1,5m và nặng từ 6 – 8kg. Hình như sếu cũng biết “kế hoạch hóa” gia đình nên mỗi năm chỉ đẻ hai trứng. Sếu con, nửa ngày sau khi chui từ vỏ trứng ra là có thể tập tễnh đi kiếm ăn với bố mẹ.
Dulichgo
Đến Tràm Chim như gặp lại Đồng Tháp Mười thuở hoang sơ mở cõi. Cứ tha hồ mở toang lồng ngực, hít thở không khí trong lành để rửa phổi và rửa mắt bằng màu xanh của cỏ cây sông nước. Rửa mũi bằng hương đất nồng nàn, hương tràm mê hoặc. Nhiều loài chim nước, gặp người vẫn làm lơ, tự nhiên kiếm ăn, chẳng thèm chào khách lạ. Có con biểu diễn tài nghệ lao vút từ không trung, phóng thẳng xuống mặt nước bắt mồi. Có con đảo quanh tò mò, có con vô tư nhảy múa, ồn ào “tám” chuyện sông nước hay ríu rít tâm tình…
Đến Tràm Chim, khách có thể tập làm nông dân, đi hái bông súng, bông điên điển, bẹn sen (lá sen non) và các loại rau hoang. Hoặc giăng câu, chài lưới, đặt lờ, đặt lọp… Thú vị nhất là săn chuột. Nước ngập đất, chuột rời hang, làm tổ trên cây. Cứ rung cho chúng nhảy xuống nước. Chuột nín thở, lặn sâu xuống đáy. Ai dè nước trong veo, nên thấy rõ mồn một, cứ chọn cách phù hợp mà thộp từng con…
Dulichgo
Thử đi chân đất, lội nước bì bõm, leo lên lầu nghinh phong cao hơn 20 mét, đón bình minh hay đợi hoàng hôn. Đẹp đến sững sờ. Hoặc dùng ống nhòm ngắm toàn cảnh Tràm Chim, cực kỳ ấn tượng. Thiên nhiên “giàu có” nhưng gần gũi, khí hậu trong lành, chim muông cây cỏ đều thân thiện. Thử đến một lần là nhớ, về nhà vẫn tương tư…
Theo Nguyễn Văn Mỹ (DNSGCT)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét