Các di tích tiêu biểu đã trở thành chứng tích lịch sử, ghi lại trận chiến oanh liệt của quân và dân Việt Nam.
1. Di tích lịch sử hang Thẩm Púa
Nằm ở xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, hang Thẩm Púa là địa điểm đầu tiên đặt Sở chỉ huy tiền phương của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường đi vào hang nhỏ hẹp với nhiều sườn dốc. Từ cửa hang, du khách có thể phóng tầm mắt ra những quả đồi mướt màu xanh của nếp nương hay những khung cảnh thiên nhiên hoang sơ.
Hang đá có vẻ đẹp tự nhiên và còn khá nguyên vẹn với lòng hang rộng, có chỗ cao tới 10 mét và có nhiều các phiến đá to, phẳng như mặt bàn đã bị phủ rêu phong theo thời gian. Chính tại hang này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh mặt trận phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và dự định ngày nổ súng là 20/1/1954.
Dulichgo
Hang này được người dân địa phương trìu mến gọi là "hang ông Giáp". Ngoài ra, hang Thẩm Púa còn chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ, với những hiện vật được chứng minh đây là nơi sinh sống của con người thời tiền sử.
2. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Cơ quan đầu não của chiến dịch nằm trong một khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 27km.
Tại đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các tướng lĩnh chỉ huy đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận dẫn đến chiến thắng lịch sử lừng lẫy ngày 7/5/1954.
3. Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Dulichgo
Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng kiên cố với mái vòm bằng sắt, ván gỗ và nhiều bao cát, hàng rào thép gai hay những bãi mìn dày đặc bao bọc xung quanh. Bốn góc của hầm là 4 xe tăng và phía tây là trận địa pháo bảo vệ. Căn hầm dài 20 mét, rộng 8 mét được chia làm 4 ngăn là nơi làm vệc và nghỉ ngơi của tướng De Castries cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tại nơi này, tướng De Castries cùng toàn bộ chỉ huy quân Pháp đã bị bắt sống vào chiều 07/5/1954, lá cờ quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, hầm vẫn còn giữ nguyên vẹn cấu trúc và cách sắp xếp của căn hầm trước kia.
4. Trung tâm đề kháng Him Lam
Được coi là cánh cửa thép có nhiệm vụ bảo vệ khu trung tâm, án ngữ con đường huyết mạch từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Đây là trung tâm đề kháng kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, do một đơn vị thiện chiến của quân đội Pháp đóng giữ.
Dulichgo
Tuy nhiên, cứ điểm này đã bị quân đội Việt Nam tiêu diệt trong trận mở màn chiến dịch và đây cũng là nơi chứng kiến tấm gương hy sinh của liệt sĩ Phan Đình Giót, người đã hy sinh thân mình lấp lỗ châu mai.
5. Đường kéo pháo
Nói về những dấu tích lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không kể đến tuyến đường kéo pháo đã trở thành huyền thoại trong lịch sử dân tộc.
Đây là con đường kéo pháo bằng tay độc đáo bậc nhất trên thế giới, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch. Những người dân với lòng yêu nước, quyết tâm đã cùng bộ đội dùng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, búa... để mở tuyến đường trên những sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa. Cũng trên con đường này, liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh thân mình để cứu pháo.
6. Di tích đồi A1
Đây là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh, quân đội Pháp bố trí nhiều binh lực, hỏa lực, có công sự kiên cố, vững chắc với nhiều ổ súng máy hiện đại. Do nằm ở vị trí đắc địa, dễ quan sát nên nơi đây đã trở thành một cứ điểm khó tấn công.
Dulichgo
Dù mở 4 đợt tấn công liên tục nhưng chỉ đến ngày 6/5/1954, quân đội ta mới phá sập được hệ thống hầm ngầm và hoàn toàn chiếm được đồi. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
7. Di tích nhà tù Lai Châu
Nằm ở phường Sông Đà, thị trấn Mường Lay, Điện Biên, nhà tù được xây dựng vào năm 1901 và được thực dân Pháp đưa vào sử dụng đến năm 1953. Di tích nhà tù Lai Châu là nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược.
Nơi đây được gọi là "trại giam địa đạo" vì trại giam này ngay cạnh khu nghĩa địa, khi có phạm nhân nào trốn trại bọn chúng liền đem ra nghĩa địa xử bắn và chôn luôn. Đây còn được ví như địa ngục trần gian, chỉ có lối vào chứ không có lối ra.
Di tích nhà tù đã trở thành phế tích nằm trong lòng hồ thủy điện Sơn La. Hiện nay, di tích này được tái hiện trong Bảo tàng Điện Biên.
Theo Anh Phương (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét