Lễ cúng thần rừng được tổ chức một lần duy nhất trong năm. Với người Pu Péo ở Sủng Tráng (Yên Minh) lễ cúng thường được tổ chức vào ngày 6/6 âm lịch. Nơi tổ chức là khu vực bìa rừng phía sau làng. Trước ngày diễn ra cúng mọi người dân cùng họp bàn nhau lại để phân công công việc và chuẩn bị lễ vật cúng thần rừng.
Đến ngày làm lễ, mỗi gia đình cử một người mang những lễ vật đã chuẩn bị đến nhà một gia đình gần rừng nhất, sau đó cắt cử người nấu cơm, luộc trứng (hoặc thịt), dọn dẹp địa điểm cúng, chuẩn bị củi đốt...
Chuẩn bị xong mọi người mang lễ vật ra địa điểm cúng để bắt đầu nghi lễ cúng rừng. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng được người dân trong làng lựa chọn từ trước. Thầy cúng phải là người có uy tín, được người dân nể trọng.
Dulichgo
Đàn cúng của người Pu Péo khá đơn giản, được làm bằng những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau. Sau đó thầy cúng lấy lá chuối hoặc lá rong chải lên ban thờ, cơm nắm và trứng luộc được đặt lên đó.
Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo gồm 2 phần: phần cúng dâng lễ và phần cúng chính.
Phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống. Lễ vật cúng thần rừng gồm gà, dê, cơm nắm, trứng luộc hoặc thịt luộc. Sau khi đã bài trí xong đàn cúng, thầy cúng đốt một bó hương chia làm 3 phần cắm ở hai bên và chính giữa đàn cúng. Mở đầu lễ, thầy cúng rót rượu vào 4 chiếc chén và đọc một bài cúng với hàm ý hôm nay la một ngày tốt để bày tỏ lòng thành kính với thần rừng, tổ tiên dân làng đã chuẩn bị các lễ vật dâng rừng, mời các vị thần về tham dữ lễ cúng và chứng nhận lòng thành của người dân.
Thầy cúng tiến hành tuần tự các bài cúng đối với từng lễ vật dâng lên thần rừng và tổ tiên, báo cáo thần rừng từng lễ vật dâng thần, xin thần rừng làm chứng. Nội dung của phần cúng này là mời thần rừng về dự lễ cúng, liệt kê những lễ vật mà dân làng dâng lên và mong các vị thần đón nhận. Bài cúng kết thúc cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã tề tựu đầy đủ và chấp nhận những lễ vật mà dân làng dâng lên.
Dulichgo
Phần thứ hai là phần cúng chính (cúng chín). Lễ vật dâng lên thần rừng là một con dê đã được làm sẵn thịt. Thầy cúng cho người đan một tấm phên nhỏ đặt trên một thanh tre cao khoảng 1m ở phía đối diện với đàn cúng chính. Phía trên đặt một tấm lá rong được chấm tiết dê thành nhiều chấm nhỏ. Đây là đàn cúng tượng trưng cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ không có nơi cư ngụ. Thầy cúng khấn gọi những hồn ma đó về cùng than dự lễ cúng.
Sau khi khấn gọi những vong hồn về dự lễ cúng, thầy cúng bắt đầu tiến hành bài cúng chính của buổi lễ. Nội dung của bài cúng này kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần với hàm ý dân làng không quên nguồn gốc, công lao của thần rừng, tổ tiên người Pu Péo và các vị thần. Bài cúng này mang ý nghĩa tưởng nhớ về công lao của các vị thần và cầu mong các vị thần cũng như tổ tiên phù hộ cho dân làng có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, con người được khỏe mạnh, no đủ... kết thúc bài cúng, thầy cúng đứng dậy cầm theo một con dao nhỏ bước lại phía đàn cúng các vong hồn và ma quỷ.
Đối lập với bài cúng ca tụng và cầu mong sự giúp đỡ, che chở của các vị thần thì bên đàn cúng vong hồn thầy cúng kể tội các vong hồn, ma quỷ đã quấy nhiễu, làm hại dân làng, sau đó dùng con dao hất đổ đàn cũng với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu và ma quỷ đi. Lễ cúng kết thúc cũng là lúc các thành viên tham gia đem những lễ vật đi nấu chín rồi ngồi quây quần lại với nhau uống rượu và trò chuyện.
Dulichgo
Theo quan niệm của người Pu Péo, thần rừng được coi là một vị thần che chở dân làng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi làng bản của người Pu Péo đều có một khu rừng cấm riêng. Lễ cúng rừng là dịp để người dân gửi gắm những mong ước, những hi vọng cho một năm mới no đủ, gia đình mạnh khỏe... Có thể nói, lễ cúng thần rừng là một nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc Pu Péo, nó mang ý nghĩa phồn thực của cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống tại những vùng mà rừng luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.
Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, tục cúng thần rừng còn là dịp giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người. Bên cạnh đó sau mỗi buổi cúng, các thành viên trong làng thường ngồi lại cùng ăn, uống và trò chuyện, trao đổi về cuộc sống, kinh nghiệm trong sản xuất... Tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên với cộng đồng làng bản.
Với ý nghĩa như vậy, tục cúng thần rừng của người Pu Péo là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị
Theo Quang Chung (Dulich.Hagiang)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét