Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Ăn bánh chim gâu của người Cao Lan

Một trong những món ăn mang đặc trưng riêng của người dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang là bánh chim gâu, một món ăn bình dị và mang đậm hương vị mộc mạc của núi rừng Tây Bắc.

Người Cao Lan gọi chung là bánh chim gâu nhưng thực tế từ chiếc lá dứa rừng, ngoài đan hình con chim, các bà, các chị có thể đan thành hình con nhện, con ve sầu hay con cóc. Những chiếc bánh với hình dáng nhỏ xinh thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của những người trong gia đình với nhau.
Bánh chim gâu cũng là món bánh không thể thiếu trong ngày lễ, tết của bà con dân tộc nơi đây và giờ đã được mang đi giới thiệu ở nhiều lễ hội ẩm thực trong và ngoài tỉnh.

Để làm được những chiếc bánh chim gâu, người Cao Lan phải lên rừng hoặc đồi cao để tìm lá dứa rừng, loại lá quen thuộc mà người Cao Lan yêu thích.

Người Cao Lan cho rằng lá dứa rừng là một vị thuốc chữa được bệnh dạ dày, do đó gói bánh bằng lá dứa rừng vừa tạo vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh.
Dulichgo
Lá dứa sau khi được rửa sạch, lau khô sẽ được tước phần gai, chẻ thân cứng đi cho lá mềm. Sau đó được các bà, các mẹ khéo léo đan thành hình những con chim gâu nhỏ xinh, rỗng ruột.

Ngoài lá dứa rừng, thành phần chính để làm bánh chim gâu là gạo nếp nương. Gạo nếp đã chọn lọc đem vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối cho đậm đà, sau đó được nhồi vào trong vỏ bánh, đến lúc đầy chặt sẽ đan kín lại.

Tùy vào nhu cầu, sở thích của từng gia đình và người thực hiện mà bánh được làm đơn giản hay cầu kỳ. Nếu đơn giản, bánh chỉ gồm gạo nếp cùng muối, còn cầu kỳ hơn, các bà, các mẹ có thể trộn thêm một chút đậu xanh hay thịt, hoặc nhuộm gạo thành nhiều màu bằng các loại lá cây rừng để tạo nên sự phong phú cho hương vị bánh.

Gói bánh chim gâu đơn giản, không cầu kỳ nhưng để có được chiếc bánh đẹp, thơm ngon thì rất cần đến sự khéo léo của người phụ nữ.
Dulichgo
Nguyên liệu được nhồi vào vỏ xong, bánh đã thành hình sẽ đặt vào nồi, nổi lửa để luộc. Để có được một nồi bánh chim gâu ngon thì trong suốt quá trình luộc, lửa phải đều và bổ sung nước thường xuyên để giữ chiếc bánh luôn ngập trong nước.

Bánh sẽ chín sau khoảng một giờ ninh liên tục, rồi cẩn thận vớt ra nia hay sàng, để ra chỗ thoáng cho nguội và ráo nước trước khi cắt đôi từng chiếc để cả nhà thưởng thức.

Theo Diệm My (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét