Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Lên am Pháp Ấn trên đồi 45

(CTO) - Một ngôi am ở chốn thâm sơn bỗng trở thành điểm đến thu hút không chỉ vì là chốn tâm linh huyền bí mà còn bởi phong cảnh nơi đây đẹp đến không tưởng. Ngôi am suốt hơn 10 năm tịch mịch giữa núi đồi thành điểm phải đến của cao nguyên B’Lao, mà người ta ưu ái gọi là chùa Cổng Trời, bởi đứng đó có cảm giác như đang đứng trước cõi thần tiên.

Cao nguyên B’Lao của tỉnh Lâm Đồng không thiếu những ngôi chùa, nhà thờ có vị trí đắc địa, kiến trúc đẹp và thiên nhiên thơ mộng hữu tình. Nhưng khi cộng đồng du lịch, mà khởi đầu là các nhiếp ảnh gia phát hiện am Pháp Ấn, ngày càng có nhiều người ghé lại xứ này hơn dù chỉ kịp dừng tại vị trí Cổng Trời đẹp đến siêu thực.

Am Pháp Ấn, tên đầy đủ là Linh Quy Pháp Ấn, ở tận trên đồi 45 thuộc thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 20km ngang dọc đường đèo núi heo hút.

Không dễ dàng để đến đây nhưng những bức ảnh đẹp nao lòng, không gian tĩnh mịch và lãng mạn đã cuốn hút bước chân du khách. Không chỉ người mộ đạo, khách hành hương mà rất đông người trẻ đến đây trước là để chiêm bái tỏ lòng thành, sau là để có được những bức ảnh lung linh, ai nhìn vào cũng phải trầm trồ "ở đâu mà đẹp thế?".

Cũng như bao người khác, vừa đặt chân đến am, chúng tôi chạy lên Quán Chiếu Đường mặc dù vừa vượt qua ải gian nan người ướt đẫm mồ hôi. Có lẽ, đây là vị trí ngắm cảnh đẹp nhất của am Pháp Ấn.
Dulichgo
Trước mặt là đồi núi chập chùng nối tiếp. Xung quanh đồi 45 là những ngọn đồi cao, thấp, trồng trà, cà phê và các loại cây ăn trái lâu năm. Mỗi sáng, mỗi chiều, mây là đà lướt qua cõi tịnh như một chốn bềnh bồng phiêu lãng.

Thế nên, cổng Thần Đạo trước mặt Quán Chiếu Đường ngăn cõi tịnh với không gian mênh mông lãng mạn ngoài kia được ví như Cổng Trời. Am Pháp Ấn có tên chùa Cổng Trời theo cách gọi của du khách từ đó.

Ba chiếc cổng Thần Đạo được xây sát mép lan can của khoảng sân rộng là nơi để thực hiện các nghi thức vào các kỳ cúng lớn của am. Với người hành hương, chiếc cổng này là chỗ ngồi để nhìn lại chính mình và chiêm nghiệm cuộc đời.

Thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh ở đây là vào buổi sớm, khi bình minh vừa lên hoặc buổi chiều khi hoàng hôn sắp tắt. Nhưng vẫn có khá nhiều người tá túc ở nhà dân gần am để đêm đêm lên đây chụp dãy ngân hà vắt qua Cổng Trời đầy huyễn hoặc. Bên phải cổng Thần Đạo là một khu vườn Nhật Bản trải sỏi trắng tĩnh lặng.
Dulichgo
Phần chính của am cách Quán Chiếu Đường khoảng 200 mét, phía dưới một con dốc đứng. Đó là nơi khởi nguồn của am Pháp Ấn hình thành cách đây hơn 10 năm, hiện là chỗ ở của các vị tu sĩ.

Đối diện là ngôi chánh điện nhỏ được cất bằng gỗ, mái lợp ngói, vách kính uy nghiêm. Khi gặp khách ghé vào, các vị đều vái tay chào hỏi trước khi lui vào bên trong để tiếp tục công việc của mình. Nhưng vẫn không quên nhắc khách, bên trong bếp luôn có thức ăn chay và nước trà tươi nấu sẵn để khách dùng khi cần.

Am Pháp Ấn là một cõi tịnh cho các tín đồ Phật giáo nhưng cũng là một nơi đẹp tuyệt vời. Vì thế, cõi tịnh đầy lãng mạn này hiện là điểm đến trong chuỗi các điểm du lịch của thành phố trẻ cao nguyên B’Lao. Giờ đây, du khách dừng lại Bảo Lộc lâu hơn chứ không chỉ thoáng qua như trước nữa.

Từ trung tâm thành phố, lấy compa quay một vòng tròn, bán kính từ 20-30km là những điểm đến không thể bỏ qua của vùng đất cao nguyên này.
Dulichgo
Trong vòng vài cây số đến khoảng 10 cây số là những đồi trà đẹp đến mê mẩn. Trong đó, nổi tiếng nhất là đồi trà Tâm Châu và đồi trà Đài Loan. Xa khoảng 20km cách trung tâm thành phố là thác Đămbri và Đasara hùng vĩ chẳng thua kém những ngọn thác khác ở Tây Nguyên. Hướng vào am Pháp Ấn còn có một con thác khác nằm sâu giữa rừng là thác Bảy Tầng hiện đang được đầu tư xây dựng thành một khu du lịch quy mô lớn. Hoặc theo hướng quốc lộ 20 lên cao nguyên Di Linh là thác Bobola (huyện Di Linh), thác Pongour, Bảo Đại (huyện Đức Trọng).

Hướng dẫn thêm:

Từ đường Trần Phú dọc theo quốc lộ 20, rẽ sang quốc lộ 55 tại ngã ba Đại Binh. Từ đây chạy thẳng qua khỏi chợ trung tâm xã Lộc Thành một đoạn thì rẽ vào hướng đi Thôn 4. Qua khỏi cổng chào của thôn chừng hai cây số là đến đường lên am phía bên trái.

Đường lên am là một lối mòn dẫn lên núi, nhiều cua ngoặt và dốc đứng, chỉ mới tráng bê tông một lối nhỏ, đủ một xe máy di chuyển. Các tay lái cứng mới dám leo con dốc này. Phần lớn gởi xe dưới chân đồi rồi đi bộ hơn một cây số lên am.

Theo Thành Nguyễn (Báo Cần Thơ), ảnh Giang Phong, Amthucchay, Thành Trần...
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét