Bánh xèo Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành) tập trung ở tổ dân phố 3, giờ đã khá nổi tiếng và được nhiều người biết đến bằng cách truyền tai nhau.
Bất kể ai ở Minh Long hay Ba Tơ, xa hơn nữa là các vùng giáp ranh như Kon Tum… khi có công việc phải xuống TP.Quảng Ngãi và ngược lại từ dưới phố trở lên các huyện này, họ đều nhớ đinh ninh rằng dù có bận đến mấy lúc về cũng tạt ngang “đánh chén vài cái” cho đã thèm. Sau đó mua thêm bịch lớn gói gém đem về nhà cho người thân thưởng thức.
Ở thị trấn Chợ Chùa có thương hiệu hơn cả là quán của bà Võ Thị Xuân Lai, 52 tuổi. Mọi người vẫn thường hay gọi bằng cái tên dân dã là “bánh xèo bà Lai”. Dù không có gì khác so với các quán còn lại nhưng khá đắt khách bởi bí quyết pha trộn gia vị vào nguyên liệu bột. Quán lúc nào cũng đông nườm nượp, thực khách dù khó tính đến mấy cũng gật đầu khen ngon.
Tiếng “xèo xèo” khi bột được tráng trên khuôn quết dầu và làn khói trắng phả trong gió cay xè như càng mời gọi. Thích thú hơn là cảnh vừa ăn vừa đợi, những chiếc bánh nóng hổi mới ra lò còn phảng phất hơi nóng, vàng ươm như chất xúc tác làm tăng thêm độ “ghiền”.
Dulichgo
Thấy chúng tôi tò mò hỏi bí quyết, bà Lai xin phép từ chối tiết lộ. Bà chỉ nói đơn giản là bà biết cách làm cho bánh xuê hơn các quán khác nhờ cách chế biến bột và bánh ngọt, thơm hơn do biết ướp gia vị.
Bánh xèo là món ăn dân dã ở miền Trung đầy nắng gió mà mỗi khi xa quê người ta thường hay nhớ về. Dù có ở nhiều nơi, nhiều vùng miền, nhưng ở Nghĩa Hành và các huyện lân cận, người ta vẫn hay nhắc đến bánh xèo Chợ Chùa như một thứ đặc sản cho những ai sành ăn.
Chị Trần Thị Mỹ Hoa, 29 tuổi, xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa) nở nụ cười thật tươi khi được hỏi về món ngon này. Chị tâm sự rằng, hơn chục năm qua chị vẫn là khách quen ở quán bà Lai.
“Bánh xèo nơi đây có vị thơm, độ mềm giòn vừa phải, ăn lại không ngán. Đặc biệt là màu sắc của chiếc bánh với màu vàng đều rất bắt mắt, chỉ ngắm nghía thôi đã thấy bụng cồn cào”, chị Hoa cho biết.
Thực tế nếu bán với giá 2.500 đồng một bánh thì quán bà Lai tính ra thua các quán khác về lợi nhuận, vì chi phí bỏ ra nhiều, nhưng có một điều mà quán bà hơn hẳn là số lượng khách tới ăn. Theo như lời bà Hoa kể, một ngày bà có thể đúc trung bình khoảng trên 1 nghìn chiếc bánh, thậm chí có khi còn cao hơn và kiếm lời trên đầu bánh. Đặc biệt, vào các ngày lễ, Tết, khách khắp nơi kéo về, bà bán đến vài nghìn bánh.
Ở cái thị trấn Chợ Chùa nhỏ bé ấy có khoảng 6 quán lớn nhỏ như bà Lai mọc lên, nằm san sát nhau, bán từ 14h đến 20h trong ngày, suốt hơn hai chục năm.
Dulichgo
Làm bánh xèo đòi hỏi phải có sự cẩn thận, khéo léo và tập trung để có những mẻ bánh giòn hoặc mềm theo yêu cầu của khách. Không chỉ quán bà Lai mà hầu hết các quán ở đây đều rất biết cách chiều khách đến, làm vừa lòng khách đi.
Khách muốn bánh giòn thì cho dầu nhiều hơn nhưng lớp bánh tráng phải mỏng, giòn nhưng không bị vỡ, vàng nhưng không bị cháy. Còn khách yêu cầu mềm thì tráng ít dầu hơn. Mọi người vẫn giữ cách bán buôn văn minh, lịch sự, chẳng tranh giành khách.
Rồi cứ thế, ngày qua ngày nghề đúc bánh xèo đã trở thành cái nghề đem lại thu nhập ổn định cho những người dân sinh sống tại đây.
Điển hình như vợ chồng bà Huỳnh Thị Để (70 tuổi) đã nuôi 3 đứa con trưởng thành bằng phần lớn lợi nhuận kiếm được từ cái nghề lận lưng này bên cạnh việc kinh doanh ngoài chợ. Càng vui mừng hơn khi ở cái tuổi xế chiều bà và chồng vẫn còn đủ sức khỏe để bám lấy nó để mưu sinh.
Dulichgo
“Già rồi biết làm gì để kiếm tiền đâu! Hai vợ chồng già cũng may có cái nghề truyền thống để gắn bó, kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày, bớt gánh nặng cho con cháu”, bà Để nói.
Bánh xèo Chợ Chùa dân dã mà ngon. Nếu có thời gian, hay tiện đường, bạn hãy đến đây một lần thưởng thức để cảm nhận được vị ngon của bánh xèo Chợ Chùa.
Theo Thiên Hậu (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét