Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

“Nàng tiên cá” Isabella (biển Làng Vân)

Xuôi con đường thiên lý ngang qua đèo Hải Vân, lữ khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang dã của bãi cát trắng mịn màng ở mũi Isabella. Khá vất vả mới đến được Isabella để vỡ òa thốt lên "nàng tiên cá dưới chân đèo Hải Vân".

Dòng xe cộ vẫn ngược xuôi, ồn ào trên con đèo ngoạn mục nhất của miền Trung, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến "nàng tiên cá" Isabella đang khoe mình dưới nắng rực rỡ ở phía Đông. Nơi ấy, có rừng già, có núi, có biển mặn và cả suối nước ngọt chảy ra từ dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bìa rừng trước khi đến biển là rặng dừa xanh mát mênh mang. Lâu nay, lữ khách chỉ có thể chiêm ngưỡng Isabella từ những con dốc quanh co của phía trên núi cao. Thỉnh thoảng, những đám mây ngang qua, che khuất tầm nhìn. Mũi đất ẩn hiện trong làn sương mỏng manh như hư, như thực.

< Mũi Isabella.

Isabella là tên một mũi đất vươn ra xa của dãy Trường Sơn, tạo thành một bán đảo xinh đẹp nằm về phía Đông của đèo Hải Vân, thuộc quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Từ Nam ra, vừa lên đèo một đoạn ngắn, đã thấy Isabella hiện ra trước mắt đầy quyến rũ. Mũi đá lô nhô phủ đầy cây xanh như một mảng rừng nổi trên mặt biển biêng biếc. Cạnh đó là những bãi cát trắng mịn màng mang hình dáng của vầng trăng non. Lên cao hơn nữa, về hướng đỉnh đèo, Isabella vẫn hiện diện theo bước chân lữ khách. Từ lưng chừng đèo, nơi những cây thông đánh dấu miền ôn đới, nhìn xuống Isabella nhiệt đới thật thơ mộng. Với địa thế này, hệ sinh thái Hải Vân rất đa dạng, mang đặc trưng của sinh thái chuyển tiếp giữa các đới khí hậu ôn đới- nhiệt đới, Nam- Bắc. Được giữ gìn cẩn thận, rừng Hải Vân phủ một màu xanh bạt ngàn từ núi cao tới tận biển xanh.

< Vị trí các bãi biển, nơi cắm trại và đường đi.
Dulichgo
Để diện kiến mũi Isabella thật gần, phải vượt đồi dốc hoặc biển cả nhấp nhô chứ không dễ dàng ngồi xe là tới nơi. Cùng với thiên nhiên nguyên vẹn, Isabella vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết đầy hoang dã. Bước vào đó, lữ khách ngỡ như đi lạc vào lãnh thổ của một bộ lạc nào đó vắng lặng. Có dấu tích rải rác của một làng chài sát mép rừng như thể vừa trải qua một trận thiên tai khủng khiếp. Nhưng không, đó là những gì còn sót lại của một làng chài đã được dời vào cộng đồng lớn phía Nam đèo Hải Vân.

Dù vậy, vẫn còn vài hộ bám lại tiếp nối nghề biển giữa mênh mông núi rừng và biển cả. Họ sống tự do giữa không gian hoang dã này dù không có những tiện nghi vật chất như phía bờ Nam là trung tâm Đà Nẵng đầy sắc màu. Bù lại, họ có được bầu không khí trong lành, biển xanh mênh mông lộng gió, không hề bị trói buộc tầm nhìn. Bởi vậy, tới Isabella, dù phải chuẩn bị đồ ăn, nước uống, lều trại… nhưng lữ khách vẫn thấy đó như một chuyến nghỉ dưỡng "sang chảnh".

< Đường hầm tàu đèo Hải Vân.

Khách được đón tiếp bằng sự đôn hậu, hiền hòa và thân tình của những cư dân làng chài, vô tư tận hưởng không gian xinh đẹp, có cảm giác như "đại gia" một mình "bao trọn" bãi biển chạy dài kia.

Mũi Isabella có ba bãi biển cát trắng tinh khôi: bãi chính có hình vầng trăng khuyết, phía Nam là bãi Dừa và phía Bắc là bãi Xoan. Cả bãi chính và bãi Dừa đều có con suối róc rách ngày đêm, mang nước ngọt xuyên dãy Trường Sơn tới đây cho cư dân của nàng Isabella trước khi hòa mình vào Biển Đông rộng lớn. Những hàng dừa ven biển rợp bóng mát cho trái ngọt mát lành. Cá tôm vừa bắt từ biển đưa lên ghe vào bờ còn tươi xanh. Thú vị hơn là lần theo những vách đá ven biển của mũi Isabella để bắt cua, ốc, sò…

< Bãi Dừa gần với thành phố nhất, bạn có thể cắm trại, tắm biển, và hái dừa uống miễn phí.
Dulichgo
Không chỉ nghỉ dưỡng mà tới đây người ta có thể trải nghiệm cuộc sống "săn bắt hái lượm" của thời nguyên thủy ngay ở thời hiện tại, cách không xa những hiện đại xa hoa. Có đủ sức khỏe, khách có thể chinh phục mũi Isabella để có được cảm giác đứng ở Trường Sơn hùng vĩ, chạm tay vào sóng Biển Đông mênh mông. Điều đó không ngoa. Bởi mũi đá này là cánh tay vươn dài của Trường Sơn ra biển cho nên bạn hoàn toàn có thể một tay níu núi, một tay chạm biển khi chinh phục được "nàng tiên cá". Tất nhiên điều này không dễ dàng khi bạn đi tay không trên bộ. Nếu dùng ghe, thúng của ngư dân, việc chinh phục sẽ dễ dàng hơn nhưng cũng không kém phần thú vị mà giảm được sức lực.

< Bãi chính là nơi người dân sinh sống trước đây. Bây giờ chỉ còn lại những người dân chài đến đây đánh bắt cá. Bạn có thể đi men theo cuối làng để ra mũi Isabella gần đó để bắt cua, ốc.

Trải nghiệm đúng nghĩa thiên nhiên biển hoang dã, Isabella chính là điểm dừng chân lý tưởng để du khách tận hưởng. Ngư dân bảo với lữ khách rằng, không lâu nữa Isabella sẽ là "nữ hoàng" của du lịch biển khi resort năm sao được xây cất tại đây. Khi đó, Isabella không còn là "nàng tiên cá"…

“Bí quyết” chinh phục “nàng”

Nhìn Isabella từ trên cao, người ta ước có đôi cánh để bay tới bên “nàng” hoặc nghĩ tới cáp treo, khinh khí cầu để chinh phục nhanh nhất. Những người ưa khám phá không chần chừ, mà bằng mọi cách để đi tới đó.

< Xa nhất là bãi Xoan. Đường đến nơi này tương đối xa và mất nhiều thời gian nhưng bù lại đây là bãi biển hoang sơ nhất, không có rác và đẹp nhất ở nơi đây. Bạn sẽ thích thú vì có thể thỏa thích mò cua bắt ốc ở vùng biển này nhưng không nên tắm biển vì đây là vùng nước xoáy.
Dulichgo
Trước khi tiếp cận Isabella bằng đường biển, người ta cứ nhắm hướng rồi băng rừng tiến thẳng xuống biển xanh. Con đường này khá vất vả nhưng giờ đã thành một lối mòn. Thậm chí, người ta còn dùng sơn vẽ trên đá để chỉ hướng đi cho người sau khỏi lạc lối. Dù vậy, đường đi vẫn gập ghềnh đá núi. Nhiều đoạn phải leo trèo, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá kia đầy lý thú. Sức khỏe bình thường, con đường này lấy mất một giờ đi bộ với hành lý nước uống, đồ ăn trên vai. Người khỏe đi nhanh hơn nhưng cũng đủ mệt lả mồ hôi.

“Bí quyết” thứ hai không kém phần hấp dẫn là đi theo đường hầm xe lửa. Cách này không khuyến khích bởi bạn phải được đồng thuận của người canh đường tàu để họ canh lịch xe lửa sao cho thời gian di chuyển trong hầm không có đoàn xe nào đi qua. Nếu may mắn, bạn được các anh dẫn đi bộ gần một cây số đường hầm tối bưng để khi nghe tiếng đoàn xe lửa từ xa thì nhảy vào các vị trí tránh trong hầm dành cho công nhân đường sắt. Cách này chỉ thích hợp cho nhóm không quá ba người vì chỗ tránh rất hẹp.

“Bí quyết” nhẹ nhàng nhất là thuê ghe từ làng chài dưới chân đèo Hải Vân di chuyển khoảng 20-30 phút trên biển thì tới. Cách này chỉ dành cho đoàn ít thời gian và có nhiều thành viên nữ để tránh phải di chuyển, mang vác vất vả nhưng không được nhiều đoàn chọn vì quá dễ dàng. Thay vào đó, họ nhảy đá, băng rừng tới Isabella vừa để vận động và trải nghiệm sau thời gian mệt nhoài ở văn phòng, giữa công việc và bộn bề của cuộc sống.

Nếu cắm trại ở lại, ngoài các nhu yếu phẩm, lều trại tự chuẩn bị, bạn phải chắc chắn rằng mang nước theo đủ dùng. Nơi đây đầy hải sản, xuống biển là có nhưng nước uống thì không, suối chỉ để tắm giặt.
Dulichgo
Khi vừa đặt chân tới nên trình báo với đồn biên phòng về thông tin cá nhân và thời gian lưu lại. Vì vậy, phải mang theo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Địa điểm cắm trại lý tưởng nhất là bãi Dừa và bãi Chính. Bãi Xoan nằm ở vị trí hiểm trở hơn nên để dành cho khám phá hơn là di chuyển sang đó ở. Người dân thân thiện và hiếu khách nên bạn an tâm ở đêm chỗ này để trải nghiệm đời sống của một làng chài giàu có về thiên nhiên.

Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ), ảnh từ Foody, Club74...
Du lịch, GO!

Chui hầm mạo hiểm đến làng Vân
Ngày cuối với làng phong Hoà Vân
Làng Hòa Vân (cũ) bây giờ ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét